THƯƠNG XÁ EDEN – MỘT PHẦN KÝ ỨC CỦA NGƯỜI SÀI GÒN _ HUSGX

   

Khu tứ giác Eden với năm tầng lầu ở trung tâm quận 1 được xây dựng khoảng thập niên 1930, được giới hạn bởi bốn con đường sang trọng nhất Sài Gòn thuở ấy: Bonard, Charner, Espagne, Catinat (sau 1955 mang tên Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lê Thánh Tôn và Tự Do).

Thương xá Eden ở bên phải hình, góc đường Tự Do – Lê Lợi

Bài viết này sẽ tìm hiểu về lịch sử hình thành thương xá Eden và những hình ảnh của nó từ lúc được xây dựng cho đến khi nó bị tháo dở sau khoảng 70-80 năm.

Hình thập niên 1930, lúc đang xây dãy nhà Eden ở bên trái

Thương xá Eden tọa lạc trên một phần nền cũ của “Grand Café de la Musique”, một quán giải khát nổi tiếng vào những năm đầu thế kỷ 20. Sau đó quán cà-phê nhường chỗ cho nhà thuốc Tây được xem là đầu tiên ở Sài Gòn là Pharmacie Solirène.

Grand Café de la Musique. Khu đất này khi là nhà hàng – cafe hồi đầu thế kỷ 20, sau này là nơi xây dựng khu thương xá Eden nổi tiếng

Hình ảnh khu đất này khi nó là tiệm thuốc tây đầu tiên của Sài Gòn:

Pharmacie Solirène – Nhà thuốc Tây đầu tiên của Sài Gòn, là khu đất sau đó xây dựng Eden

Một số hình ảnh vị trí này khi là tiệm thuốc Tây vào 100 năm trước:

Pharmacie Solirène bên tay trái hình, bên phải là Continental Palace
Khu đất này nằm ở chính giữa hình này, nhìn từ bên đại lộ Charner. Bên trái là Dinh Xã Tây

Tiệm thuộc tây này thuộc sở hữu của bác sĩ Victor Thomas Holbe (nhà ở gần Hồ Con Rùa ngày nay.

Khoảng thập niên 1930, khu phố này được tái thiết, cao ốc Eden được xây lên ở đầu đại lộ Bonard (nay là đường Lê Lợi), 2 bên là đại lộ Charner và Catinat (nay là Nguyễn Huệ và Đồng Khởi). Nhà thuốc Solirène biến mất, từ đó quán cà-phê Givral ra đời.

Ban đầu thương xá Eden chỉ có 3 lầu, sang đến thập niên 1950 được nâng lên thành 5 tầng, với tầng trệt là trung tâm thương mại, bên trên là căn hộ.

Sài Gòn năm 1939, khi Eden chi có 1 trệt 3 lầu

Xung quanh Eden là những địa điểm, công trình nổi tiếng nhất của đô thành Sài Gòn, về phía đường Tự Do có Continental, Opera House, Caravelle Hotel:

Thương xá Eden, Continental Palace và Opera House nhìn từ khách sạn Caravelle

Về hướng đại lộ Nguyễn Huệ thì kề bên Eden là Thương xá TAX, REX Hotel và Tòa đô chánh. Một số hình ảnh Eden xưa:

Thương xá Eden và công trường Lam Sơn
Thương xá Eden nhìn từ phía đại lộ Nguyễn Huệ

Thương xá Eden và Tòa Đô Chánh

Cư xá – thương xá Eden theo mô hình các tòa nhà phương Tây thời đó và đã phổ biến ở Việt Nam hiện nay, đó là kết hợp các căn hộ và trung tâm thương mại. Bốn tầng trên cùng là căn hộ của cư dân, còn tầng trệt là các cửa hàng quay ra bốn mặt phố. Rạp xi-nê Eden rộng thênh thang ở trung tâm khu tứ giác được lấy làm tên chung cả khu. Dãy hành lang ngang dọc trong thương xá cũng mang tên Passage Eden. Dọc hai bên hành lang vào rạp xi-nê từ cửa chính phía đường Tự Do và từ cửa phía đường Lê Lợi là các cửa hàng hạng sang của thương xá Eden, chủ yếu bán quần áo thời trang, giày dép, đồ da cao cấp…

Một số hình ảnh Passage Eden:

Ở Passage Eden cũng lối vô của cạp cine Eden nổi tiếng Sài Gòn xưa, có cửa chính hướng ra đường Tự Do nhưng vẫn có hành lang ăn thông qua Lê Lợi, Nguyễn Huệ. Các panô lớn giới thiệu phim đặt quay ra phía đường Nguyễn Huệ, thu hút người xem, cạnh tranh với rạp Rex hiện đại, sang trọng đối diện bên kia đường. Dù rạp Eden với tầng lầu rộng thênh thang ba bậc nhưng ghế đã cũ sờn, lại ít chiếu phim mới, chiếu thường trực nên khán giả của Eden chủ yếu sinh viên, viên chức trung lưu và nhất là các cặp tình nhân thường kéo nhau lên lầu bậc cao nhất để tâm sự! Hai rạp này sau năm 1975 vẫn tiếp tục chiếu phim mười mấy năm nữa mới “hoàn thành nhiệm vụ” rồi chuyển đổi công năng.

Một số hình ảnh rạp cine Eden:

Thương xá Eden năm 1964 – Lối vào Cinema và thương xá Passage Eden trên đường Tự Do

Năm 2012, Thương Xá Eden bị đập bỏ sau nhiều tranh cãi. Tại đây, người ta dựng nên tòa nhà Union square hoành tráng. Ở Shopping center này, cả tầng cao lẫn tầng hầm có nhiều thương hiệu hàng tiêu dùng cao cấp nổi tiếng thế giới. Song những thương hiệu đó không thể thay thế được những tên tuổi văn hóa Sài Gòn bất hủ, từng hiện diện nơi này hơn 60 năm như cà phê Givral, cà phê La Pagode, nhà sách Xuân Thu, rạp hát Eden…

Nhắc đến Eden, không thể không nói đến quán Givral nằm ở tầng trệt ngay chính diện EDEN ở góc đường Lê Lợi – Tự Do.

Quán Givral nằm ở trung tâm thành phố, ngay con đường sầm uất bậc nhất và rất thuận tiện cho mọi việc, từ hẹn hò, mua sắm (trong Eden), chờ tới giờ vào rạp chiếu phim (Eden cinema), hóng tin tức nghị trường vì quán nằm ngay đối diện trụ sở Quốc Hội, hoặc ghé mua sách báo ngoại văn ở tiệm sách Xuân Thu ở cách đó chỉ vài căn rồi mang vào quán café chọn một góc yên tĩnh để ngồi đọc. Đặc biệt, thương hiệu bánh ngọt Gival rất nổi tiếng, thu hút nhiều thực khách sành ăn.

Theo nhà văn Văn Quang kể lại, quán Givral đông nhất và đáng kể nhất vào mỗi buổi sáng. Khi đó cánh phóng viên thường tụ tập ở nơi này vì nó ở ngay trước trụ sở Quốc Hội (sau 1967 là Hạ Nghị Viện), các ông dân biểu thường ra ngồi giải lao tại đây và “thảo luận” đủ thứ chuyện bên lề, thường là những câu chuyện hấp dẫn hơn chuyện trong nghị trường.

Chiếc xe con đậu ngay trước Givral

Trong số những phóng viên, ngoài người Việt Nam còn có một số phóng viên người Mỹ, Pháp từ Continental Palace từ đối diện ghé sang, hoặc là cũng có một số phóng viên người Việt làm cho các đài truyền hình, truyền thanh nước ngoài săn tin tại đây.

Sau năm 1975, quán Givral vẫn còn tồn tại đến tận năm 2010 thì bị dẹp khi tòa nhà Eden bị dỡ bỏ

Thời điểm đó, sự biến mất của Givral để lại sự nuối tiếc lớn đối với nhiều người, vì đó không chỉ là một quán café đơn thuần, mà còn là một địa điểm văn hóa lịch sử, đã lưu dấu bao nhiêu thăng trầm của Sài Gòn suốt hơn nửa thế kỷ.

Năm 2012, quán Givral mới được khai trương trở lại cùng lúc với trung tâm thương mại mới vừa được xây xong.

Mặt tiền của Givral sau khi trở lại với diện mạo mới vào năm 2012. Ảnh chụp dịp Tết năm 2013

Givral vẫn nằm ở vị trí cũ, nhưng không bao giờ trở lại như cũ được nữa. Thiết kế mới với tông màu nâu, vàng kem chiếm phần chủ đạo, nội thất gỗ thể hiện cho mang nét hoài cổ, nhưng vẫn mang nét hiện đại và sang trọn. Givral mới đã xóa hẳn phong cách kiểu Pháp đã có hơn nửa thế kỷ.

Sau gần một năm gắng gượng để tồn tại, đến đầu tháng 9/2013, Givral đóng cửa trong lặng lẽ vì không chịu nổi tiền thuê mặt quá cao giữa lúc kinh tế đang lao dốc, chấm dứt gần 60 năm tồn tại. Dù thương hiệu Givral vẫn hiện diện khắp nơi ở Sài Gòn, nhưng với nhiều người thì Givral ở Eden đã vĩnh viễn kết thúc.

Vị trí của Givral khi đóng cửa vào năm 2013