Thú Chơi Hàng Hiệu Của Đại Gia Thời Bao Cấp: Không Phải Roll Royce Hay Ferrari, Mà Là… Xe Đạp Thống Nhất _ HUSGX

   

Tiêu chí để đánh đại gia hiện đại là nhà mặt phố, siêu xe, máy bay hay tài sản quy ra tiền. Còn ở thời bao cấp, nếu thuộc tầng lớp dân chơi thì nhất định cần phải có một hoặc tất cả những món “hàng hiệu” dưới đây.

Mũ cối Trung Quốc

Phong cách ăn mặc của người dân thời bao cấp chịu ảnh hưởng khá nhiều từ y phục nhà binh, tiêu biểu nhất là sự hiện diện của chiếc mũ cối. Mũ cối được yêu thích bởi khi đội lên thoáng mát, không gây bí bức, lại cứng và bền vượt trội, có thể làm “vũ khí” khi cần. Đặc biệt, vào những năm 80, giá một chiếc mũ cối Trung Quốc (loại có lòng mũ màu vàng) có thời điểm lên tới gần 2 chỉ vàng (khoảng 150.000 đồng).

Mũ cối dần biến mất khi luật giao thông bắt buộc sử dụng mũ bảo hiểm.

Từ những năm 2000 về sau, số lượng người dùng mũ cối dần ít đi, chỉ còn phổ biến trong giới tài xế xe ôm. Tới năm 2007, khi luật về mũ bảo hiểm được áp dụng, khách hàng sử dụng lại càng thu hẹp.

Áo phi công, áo Liên Xô, áo Nato

Ngoài mũ cối, các loại áo mang phong cách nhà binh cũng rất được ưa chuộng và chỉ những gia đình có điều kiện mới có thể sở hữu. Áo khoác phi công Mỹ thì bền, có khả năng chống nước. Áo bay của Liên Xô thì nhẹ, mỏng và chắc chắn. Áo khoác Nato lại có thiết kế rất thời trang.

Một dân chơi Hà Nội với áo khoác Nato (áo xanh)
Áo bay Liên Xô

Quần bò Thái

Muốn có được chiếc quần bò Thái, các dân chơi ít nhất cũng phải chi ra 2 chỉ vàng. Còn đối với những mẫu độc lạ hơn, nhiều đại gia không tiếc vung ra số tiền lên đến 4 chỉ để “rinh” về.

Quần bò Thái cùng áo phông – những món đồ gây bão thập niên 70

Dép đúc, dép nhựa Tiền Phong, dép lào

Trong thời chiến, khi mà người ta đi chân đất, guốc mộc và dép cao su xỏ bốn quai là chủ yếu thì những chiếc dép đúc được coi là “hàng hiệu”. Đặc điểm nổi bật là dép rất bền, không sợ bị sút quai dọc đường.

Tuy vậy, dép đúc chỉ là “mốt” của của các “dân chơi phố huyện”. Ở Hà Nội và các thành phố lớn thì dép nhựa Tiền Phong màu trắng mới là đúng chuẩn. Chàng thanh niên nào cũng muốn diện đôi dép, nhưng đâu phải ai cũng có, bởi vậy mà nhiều khi đi tán gái thì phải tìm mọi cách mượn dép.

Sau chiến tranh, dép Lào lại được xem là thời thượng. Đế dép càng dày thì càng khẳng định được đẳng cấp chủ nhân.

Dép đúc (bên phải), dép nhựa Tiền Phong (giữa), tông Lào (trái)

Tivi đen trắng

Tivi đen trắng được coi là trong những vật phẩm xa xỉ nhất thời bao cấp, bởi giá trị của một chiếc tivi dù chỉ bé khoảng 9 – 14 inch không màu thôi cũng tương đương cả một gia tài. Chúng đáng giá không chỉ ở giá trị vật chất mà còn bởi là công cụ giải trí hiện đại nhất của cả xã hội lúc bấy giờ.

Những chiếc tivi đen trắng hiệu Sharp, Hitachi hay đài VEF 206 có giá đến 7 – 10 chỉ vàng được coi là niềm tự hào của giới đại gia. Chỉ gia đình nào “siêu giàu” mới dám mua về xem.

Hàng hiệu của những dân chơi siêu giàu

Xe đạp Thống Nhất, xe máy Peugeot, xe Honda Cub

Không phải Roll Royce hay Ferrari…, siêu xe của giới nhà giàu Việt thời bao cấp là chiếc xe đạp Thống Nhất. Vì là “xế sang” nên xe đạp thời đó phải có biển số, được quản lý bằng giấy chứng nhận sở hữu của cơ quan chức năng. Thậm chí sở hữu một chiếc xe đạp thời ấy còn “oai” hơn đi ô tô bây giờ.

Xe đạp Thống Nhất từng có một thuở hoàng kim

Đến khi xe đạp trở nên phổ biến thì xe máy Peugeot lên ngôi: “Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ”. Cho đến bây giờ, đây vẫn là mẫu xe được giới chơi xe cổ ưa chuộng, giá của chúng có thể lên đến vài ngàn USD.

Đẹp trai đi bộ không bằng mặt rỗ đi Lơ

Năm 1958, chiếc Honda Cub đầu tiên xuất hiện và “thống trị” đường phố Việt Nam gần nửa thế kỷ. Có nhiều người thời đó đi lao động ở nước ngoài chỉ để cuối cùng có thể gửi về cho gia đình một chiếc xe Cub đáng giá. Những năm 1990, nhà nào có một chiếc Cub trong nhà là cả một gia tài lớn. Nói về sự nổi tiếng của loại xe này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cũng phải thốt lên bằng những vần thơ dí dỏm: “Bây giờ yêu nghĩa là vèo xe Cub Xe đạp anh xịt lốp cả tư mùa”.

Mặt rỗ đi Lơ không bằng lưng gù đi Cub

Đồng hồ Seiko

Chiếc đồng hồ Seiko gắn liền với câu thơ mà thanh niên ngày ấy ai cũng thuộc: “Một yêu anh có Seiko/ Hai yêu anh có Peugeot cá vàng”.

Đồng hồ Seiko cũng là thứ hàng hiệu mà nhiều dân chơi “buộc phải có”. Đây là dòng đồng hồ của Nhật với vẻ ngoài bóng bẩy, sang trọng, có tính năng tự động, không phải lên giây, hiện ra cả thứ ngày tháng rất tiện lợi và dễ sử dụng. Khi đi tán gái, các anh chẳng cần nói gì, chỉ cần giơ đồng hồ ra xem giờ là các cô tự đổ.

Chiếc đồng hồ Seiko – vũ khí tán gái số 1 thời bao cấp

Tại Hà Nội, đồng hồ Seiko chỉ dành cho giới nhà giàu vì giá của nó không hề rẻ. Giá mỗi một chiếc đồng hồ Seiko lúc bấy giờ dao động hơn 1 chỉ vàng, tương đương vài m2 đất tại Hà Nội.

Đài radio

Nếu ngày nay, có một chiếc máy nghe nhạc MP3 là điều quá bình thường thì vào thời bao cấp, chàng trai nào có chiếc đài giắt lưng ngay lập tức sẽ trở thành “hot boy” trong mắt các cô gái.

Lưng giắt đài đã là oai lắm

Chiếc đài cũ kỹ nhưng ở thời hoàng kim nó là biểu tượng của sự giàu có. Chiếc radio ngày đó mang đầy đủ giá trị “thương hiệu” tựa như chiếc điện thoại Vertu ngày nay.

Túi da

Thời trước, chiếc túi xách da là phụ kiện chỉ những “cậu ấm, cô chiêu” trong những gia đình giàu có mới có cơ hội được sử dụng. Chúng chẳng khác túi hiệu Hermès, Chanel, Prada, Burberry… thời nay của giới nhà giàu.

Hàng hiệu của các cậu ấm cô chiêu nhà khá giả

Cuộc sống ngày càng hiện đại, thị hiếu “dân chơi” cũng dần thay đổi. Những món đồ “hàng hiệu” huyền thoại của dân chơi ngày ấy đã trở thành biểu tượng đặc trưng cho cả một giai đoạn lịch sử.