Tết xưa của đất Tràng An mang phong vị rất riêng, ấm áp và thanh lịch của chốn tinh hoa hội tụ. Tết nay đến rồi, dư âm của Tết xưa vẫn cứ thấp thoáng trong miền ký ức của nhiều người con đất kinh kỳ…
Ngay từ giữa tháng Chạp, không khí Tết đã bắt đầu tràn ngập khắp 36 phố phường. Rất nhiều loại hàng hóa tập trung về khu vực chợ Đồng Xuân và các khu chợ trong thành phố để phục vụ cho việc chuẩn bị Tết của các gia đình.
Bên cạnh các loại thực phẩm, hàng hóa, một “đặc sản” khác trong dịp Tết là các loại hoa, cây cảnh cũng được những người dân ở các vùng trồng hoa nổi tiếng ven đô như Quảng Bá, Nghi Tàm, Nhật Tân… đưa về khu vực chợ hoa Hàng Khoai và Hàng Lược bày bán.
Trong số đó, loại hoa đặc trưng nhất cho mùa xuân miền Bắc chính là hoa đào. Có nhiều giống đào bích và đào phai được trồng ở Nhật Tân, còn có các giống đào như đào bạch và đào thất thốn từ rừng được đưa về, các vùng núi Sơn La, Lào Cai…
Hàng tranh rực rỡ màu sắc trên các con phố cho thấy ngày Tết đang cận kề. Một trong số những dòng tranh dân gian đặc trưng của Hà Nội chính là tranh Hàng Trống. Người xưa thường chọn mua những bức tranh với hàm ý tốt đẹp để treo trong nhà vào dịp Tết.
Ông đồ bày hàng cho chữ vào những ngày giáp Tết. Tục lệ đó có từ lâu gắn liền với ngày Tết cổ truyền Việt Nam nói riêng và Tết Hà Nội xưa nói chung.
Ngày 23 tháng Chạp, bên cạnh việc làm lễ cúng đưa ông Táo về chầu Trời, cây nêu cũng được dựng tại gia đình, mục đích xua đuổi tà ma và cầu bình an.
Bên trong phòng khách của một gia đình truyền thống Tràng An vào ngày Tết.
Những ngày Tết cũng là dịp để mọi người đi thăm hỏi người thân, bạn bè trước khi tham gia vào các lễ hội diễn ra trong suốt mùa xuân được tổ chức trong nội đô Hà Nội hoặc các vùng nông thôn lân cận.