Nơi ấm áp tình người "Ngã tư Quốc Tế" nổi tiếng của Sài Gòn xưa _ HUSGX

   

Sài Gòn có rất nhiều ngã tư nhưng có một ngã tư nổi tiếng từ ngày xưa cho đến nay: Ngã tư Quốc Tế. Trong hình bên trên là ngã 4 Quốc Tế (Đề Thám – Bùi Viện) vào năm 1968.

Nguồn gốc tên quốc tế

Ngã tư này để chỉ khu vực giao nhau của bốn con đường: Bùi Viện (tên xưa là Bảo Hộ Thoại), Đề Thám (Dixmude), Trần Hưng Đạo (Galliéni), Đỗ Quang Đẩu sau rạp hát Nguyễn Văn Hảo, gần dãy nhà lầu Tháp Ngà (Tour d’Ivoire).

Nhà lầu Tháp Ngà ở góc dưới tay trái, ở góc Trần Hưng Đạo – Bùi Viện

Theo tài liệu, trước thời gian khoảng năm 1950 – 1951, nơi này đã xảy ra một vụ cháy lớn thiêu rụi toàn bộ những căn nhà lụp xụp trong khu vực Trần Hưng Đạo – Bùi Viện – Đề Thám. Năm 1952, nhà đầu tư đã cho xây dựng hàng loạt căn hộ liền kề tại đây. Dấu tích nay vẫn rất rõ ràng trên đường Trần Hưng Đạo đoạn từ Đề Thám cho tới Nguyễn Cư Trinh. Đó là những căn nhà xây theo kiểu 1 trệt 2 lầu, có những đường nét kiến trúc giống hệt nhau.

Rạp Nguyễn Văn Hảo

Có phải bắt nguồn từ rạp Nguyễn Văn Hảo khiến cho ngã tư này có cái tên “tiền định” là Quốc Tế? Vì theo những cư dân đã già theo năm tháng ở khu vực này thì đào kép cải lương hát ở rạp Nguyễn Văn Hảo thường ra đây cà phê trước giờ tập tuồng, sau khi vãn hát thì nhậu nhẹt. Dân mê cải lương ra đây nhìn mặt thiệt của đào kép không tốn tiền, giới làm ăn buôn bán, chạy áp phe ghé đây ngồi để lây cái sang. Nhiều tiệm ăn phục vụ cho giới trung lưu cũng như người lao động với các món ăn sáng đủ thể loại: bánh cuốn, bánh xèo, xôi vò, xôi rượu nếp, xôi bắp, xôi đậu đen, khoai mì, khoai lang, bánh mì thịt, hủ tiếu Nam Vang, hủ tiếu Mỹ Tho, phở, cơm tấm bì, sữa đậu nành, đậu hũ, bánh khúc… Bởi vậy, khu này đông đúc là lẽ tất nhiên.

Thêm nữa, một lực lượng cầm bút thời đó thường tập trung tại đây để ăn sáng, cà phê, cà pháo, săn tin, trong khi giới nhà văn thì ra ngồi ở quán Cái Chùa (Pagode), ký giả nước ngoài thì tập trung ở khu Continental, Givral. Thời ấy đường Phạm Ngũ Lão (tên cũ là Colonel Grimaud) có một đoạn giữa Đề Thám và Đỗ Quang Đẩu – chỉ dài hơn vài trăm mét mà có đến mấy nhà in. Và một dãy phố nữa, đối diện chợ Thái Bình là khu tập trung in ấn và xuất bản của một số tờ báo, tạp chí. Các tạp chí Văn, Tuổi Ngọc, Màn ảnh, Kịch ảnh và những tờ nhật báo, tuần báo, tạp chí… đa số đều sống “tầm gửi” theo nhà in.

Khu này lại có phòng trà ca nhạc đầu tiên của Sài Gòn tên Anh Vũ. Vì vậy khu Phạm Ngũ Lão và Bùi Viện, Đề Thám gần đó tập trung đầy các anh ký giả mặc áo bốn túi. Lúc đó người ta thường gặp ở quán cà phê Vinh Toàn các anh ký giả kịch trường, những người đi săn tin, bắn tin về kịch trường lúc nào cũng túc trực ở đây. Chẳng bao lâu nơi đây trở thành trung tâm tin tức, từ địa phương đến quốc tế, từ đó phát sinh tên Ngã tư Quốc Tế.

Quán cà phê ở khu vực Ngã tư Quốc Tế thập niên 1950 – 1960

Nơi ấm áp tình người

Vì là nơi tập trung khá nhiều thành phần nên Ngã tư Quốc Tế cũng là nơi ấm áp tình người, tình nghệ sĩ và đồng nghiệp giới báo chí nên khi ngồi kể lại kỷ niệm nhiều bậc cao niên còn nhớ đến chủ quán bi da Thanh Tâm. Ông tên thường gọi là Tư, đã cho mượn địa chỉ của tiệm bi da để các nghệ sĩ đi nam ra bắc, ai có cần gửi thơ về cho các nghệ sĩ không nhà mà đang theo đoàn hát ở Sài Gòn, họ tới đó mà nhận thơ. Có nhiều người gửi thơ mà không tiền mua cò (tem), nhà dây thép (bưu điện) phạt, ông chủ tiệm vẫn vui lòng trả tiền phạt để cho thơ đừng bị thất lạc. Góc Đề Thám – Bùi Viện có một quán cà phê kho không tên mà trước cửa chủ quán treo tấm bảng viết hai câu thơ lục bát:

Uống đâu cũng phải trả tiền

Uống đây giúp đỡ bạn hiền – cám ơn.

Theo nhà văn Trương Đạm Thủy thì đa số khách ghé quán “bạn hiền” là nhân viên của các gánh hát đang lưu trú nơi rạp Nguyễn Văn Hảo kế bên vì ông chủ quán này xưa cũng là nghệ sĩ của các đoàn hát. Về sau Tổ không đãi nữa nên về đây mở quán. Không đi hát nữa nhưng vẫn nhớ nghề nên mở quán cũng chọn ở gần rạp hát để “bạn hiền” còn thường xuyên gặp gỡ chuyện trò cùng các đồng nghiệp. Buổi trưa thì khu Ngã tư Quốc Tế hơi im ắng vì nghệ sĩ thì về… ngủ, ký giả thì về viết tin, bài còn giới áp phe thì đi nhậu chỗ khác. Còn ban đêm thì khu này lại đầy sinh khí ăn uống bình dân, đèn đuốc sáng trưng cho tới khi vãn hát với các món ăn lề đường muôn đời: nem nướng, bánh mì thịt, bò bía, bò viên, bò khô đu đủ, chả giò. Mùi thức ăn bay cả một góc trời.

Bùi Viện ngày nay. Ảnh: Tân Lâm

Bây giờ khung cảnh cũng chẳng khác nhưng nhà cửa khang trang, đẹp đẽ hơn và đầy… Tây ba lô. Nghĩa là quốc tế thứ thiệt chứ không phải quốc tế như ngày xưa. Người khu quốc tế thời xưa đến khu quốc tế… ba lô thì không còn thấy đào, thấy kép ngày trước cũng như những ký giả nội địa ngồi “tám” chuyện in-tẹc-ná-sòn-nồ! (international). Người đến khu quốc tế ngày nay đa phần là Tây ba lô, còn người Việt thì chỉ ăn chơi, nhậu nhẹt. Không còn là nơi để săn tin đem về cho tờ báo đang đói bài dù chỉ là tin… vịt!

Theo Lê Văn Nghĩa (thanhnien.vn)