Nhìn lại cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam năm 1954 _ HUSGX
Cải cách ruộng đất tại miền Bắc Việt Nam là chương trình nhằm xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần bị xem là “bóc lột”, “phản quốc” (theo Pháp, chống lại đất nước), “phản động” (chống lại chính quyền) như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào, các đảng đối lập… được Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện tại miền Bắc Việt Nam vào những năm 1953–1956.
Sau 3 năm tiến hành, cuộc cải cách đã phân chia lại ruộng đất công bằng cho đa số nông dân miền Bắc, xóa bỏ giai cấp địa chủ phong kiến. Trong giai đoạn đầu, cuộc cải cách thu được kết quả tốt, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần của quân dân, khiến họ phấn chấn và tích cực chi viện cho kháng chiến chống Pháp Tuy nhiên, trong giai đoạn sau (từ giữa 1955), do vội vã nhân rộng cải cách tới nhiều địa phương, trong khi trình độ dân trí lại thấp đã khiến việc thi hành bị mất kiểm soát, gây ra nhiều phương hại và tổn thất, nhất là trong việc nông dân quá khích ở các địa phương đã lạm dụng việc xét xử địa chủ để trả thù cá nhân, thậm chí xảy ra việc dân chúng vu oan và tấn công cả những đảng viên, cán bộ chính quyền.
Sự quá khích này đã gây ra không khí căng thẳng tại nông thôn miền Bắc lúc ấy, gây phương hại đến sự đoàn kết của người dân, ảnh hưởng tới niềm tin của một số tầng lớp nhân dân với Đảng Lao động Việt Nam. Đến đầu năm 1956, cải cách bị đình chỉ, và suốt 1 năm sau đó, chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phải tổ chức chiến dịch nhận khuyết điểm và sửa sai, phục hồi danh dự và tài sản cho các trường hợp oan sai, cũng như cách chức nhiều cán bộ cấp cao chịu trách nhiệm về những sai lầm này.