Minh tinh màn bạc "Thẩm Thúy Hằng" và chuyện cát-xê 1 kg vàng _ HUSGX

   

Thẩm Thúy Hằng là biểu tượng vẻ đẹp một thời ở miền Nam giai đoạn 1950-1970. Bà có sự nghiệp vẻ vang và được đồng nghiệp yêu mến.

Thẩm Thúy Hằng tên thật là Nguyễn Kim Phụng, sinh năm 1940 tại Hải Phòng. Sau đó bà chuyển vào An Giang sinh sống và dần phát triển sự nghiệp diễn xuất. Thẩm Thúy Hằng là minh tinh điện ảnh và biểu tượng sắc đẹp với phụ nữ Việt Nam trong những năm 1950-1970.

Sự nghiệp diễn xuất lẫy lừng

Từ khi đi học, vẻ đẹp của Thẩm Thúy Hằng đã nức tiếng. Với vẻ đẹp trời phú, mũi cao, da trắng, đôi mắt to tròn, bà vượt qua 2.000 thí sinh để giành giải nhất trong cuộc thi tuyển diễn viên điện ảnh của Hãng phim Mỹ Vân và từ đó bén duyên điện ảnh.

Thẩm Thúy Hằng lần đầu diễn xuất thông qua bộ phim đen trắng Người đẹp Bình Dương của đạo diễn Năm Châu năm 1958. Trong phim, bà vào vai Tam Nương và được giới chuyên môn lẫn khán giả công nhận về khả năng diễn xuất. Từ đây, Thẩm Thúy Hằng được công chúng biết tới rộng rãi.

Đến phim Ngưu Lang Chức Nữ, Thẩm Thúy Hằng càng nổi tiếng. Ngoài diễn xuất, bà thu hút nhiều lời khen ngợi với vẻ đẹp lộng lẫy và giọng hát thánh thót. Khi tên tuổi của bà nổi tiếng khắp trong nước, vẻ đẹp của Thẩm Thúy Hằng trở thành tiêu chuẩn với phụ nữ Việt.

Trong cuốn sách Ký ức một ảnh viện Sài Gòn - Câu chuyện Viễn Kính, nhà báo Nguyễn Vĩnh Nguyên chọn bức ảnh của minh tinh Thẩm Thúy Hằng. Tác giả coi vẻ đẹp của Thẩm Thúy Hằng là chuẩn mực về hình ảnh giai nhân Sài Gòn thời đó, từ trang phục, dáng ngồi, cử chỉ, nụ cười đến cốt cách quý phái.

Ảnh chân dung của Thẩm Thúy Hằng do nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu ghi lại cũng được trưng bày ở triển lãm vào cuối năm 2016 tại đường sách. Hình ảnh của nữ minh tinh đã thu hút sự chú ý của đông đảo khán giả từ già đến trẻ.

Thẩm Thúy Hằng đa tài. Ngoài vai trò diễn viên, bà còn tham gia lĩnh vực sân khấu, đóng kịch, diễn cải lương, viết kịch bản. Sau khi thành lập hãng phim riêng mang tên bà năm 1969 (tiền thân của hãng Vilifilms), Thẩm Thúy Hằng sản xuất nhiều phim nổi tiếng, đầu tiên phải kể đến Chiều kỷ niệm. Nối tiếp thành công của Chiều kỷ niệm, bà cho ra đời thêm Nàng, Ngậm ngùi… và đều được công chúng đón nhận.

Ngoài ra, bà dàn dựng, viết kịch bản và đóng vai chính trong nhiều vở kịch như Người mẹ già, Suối tình, Đôi mắt bằng sứ...

Thẩm Thúy Hằng đặt chân đến nhiều nơi như Hong Kong, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Singapore, Indonesia... để tham gia các liên hoan, sự kiện phim ảnh. Từ năm 1975, Thẩm Thúy Hằng tập trung hoạt động tại Việt Nam và tham gia các phim điện ảnh như: Đám cưới chạy tang, Như thế là tội ác, Ngọn lửa Krông Jung, Hồ sơ một đám cưới, Cho cả ngày mai, Nơi gặp gỡ của tình yêu...

Thẩm Thúy Hằng đoạt giải Diễn viên xuất sắc Á châu tại Liên hoan phim Đài Bắc năm 1972, Ảnh hậu Á Châu trong Liên hoan phim Á Châu năm 1972 và 1974… Bà là bảo chứng phòng vé, góp phần làm nên thành công của nhiều dự án lớn, đặc biệt các phim chiếu Tết. Với danh tiếng kể trên, cát xê của Thẩm Thúy Hằng xếp vào hàng kỷ lục trong số diễn viên Việt. Giai đoạn 1950-1970, bà từng nhận được cát xê là một triệu đồng cho một vai diễn. Thời đó, Thẩm Thúy Hằng chia sẻ số tiền nhận được có thể mua một kg vàng.

 

Với lớp đàn em, Thẩm Thúy Hằng là người hiền lành, nhiệt tình. Khi hay tin đàn chị qua đời, đạo diễn Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ: “Tôi nhớ như in thời đi xem Lôi Vũ tại Nhà hát Hòa Bình. Tôi xem đến 10 suất và lần nào chị cũng cho mấy viên trần bì. Tôi vừa ngồi xem Phồn Y vừa thích thú vì nhận được quà của chị. Điều tôi ghi nhận từ thái độ lao động nghệ thuật của chị Hằng là luôn nâng đỡ đàn em”.

Đạo diễn kể tiếp: “Tôi hỏi sao suất nào chị cũng khui thỏi son mới, chị cười trả lời: ‘Hằng mới tặng cho cô bé diễn viên trẻ trong đoàn nên dùng cây mới. Lát coi ai thiếu tặng nữa, rồi mai mua cây khác’. Chị Hằng cười. Nụ cười và cử chỉ của Phồn Y - Thẩm Thúy Hằng không làm sao tôi quên được. Chị mãi sống trong lòng công chúng về tài năng, vẻ yêu kiều, quý phái của một nữ minh tinh hàng đầu điện ảnh Việt một thời”.

“Tôi nhớ hồi đó xem ảnh tư liệu cũ, lại được nghe anh Năm Thanh Tòng kể về chị. Khi chị sang nước bạn tham dự Liên hoan điện ảnh Châu Á - Thái Bình Dương, MC giới thiệu tên chị và chị bước ra sân khấu, cả khán phòng vang dội những tràng pháo tay dành cho chị. Nay chị Hằng đã yên nghỉ. Người buồn nhất là chị Kim Cương. Khi tôi gọi báo tin buồn, chị ngừng bên máy hồi lâu rồi nghẹn lời, không tin chị Hằng ra đi đột ngột như vậy”, Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ.

Cuộc sống riêng tư nhiều ồn ào

Có sự nghiệp đỉnh cao nhưng chuyện tình duyên của Thẩm Thúy Hằng trắc trở. Thẩm Thúy Hằng không chia sẻ nhưng báo chí thời đó đưa tin minh tinh màn ảnh kết hôn từ khi 19 tuổi với người đàn ông lớn hơn bà 2 tuổi. Sau khoảng 5 năm chung sống và có một con chung sinh năm 1961, Thẩm Thúy Hằng ly hôn.

Năm 1968, Thẩm Thúy Hằng gặp ông Nguyễn Xuân Oánh, còn được biết đến với cái tên Tony Oánh. Ông Nguyễn Xuân Oánh hơn Thẩm Thúy Hằng 19 tuổi, từng làm Thống đốc Ngân hàng, tốt nghiệp tiến sĩ kinh tế ở Harvard. Chuyện tình giữa minh tinh nổi tiếng với người quyền thế trong giới chính khách đã gây xôn xao dư luận suốt thời gian dài. Bất chấp những nghi ngờ, đồn đoán về mối quan hệ tình cảm, Thẩm Thúy Hằng cùng ông Nguyễn Xuân Oánh về sống chung một nhà năm 1970. Hai người có 4 người con chung.

Năm 2011, Thẩm Thúy Hằng bất ngờ công khai việc từng bỏ rơi con gái tên là Nguyễn Thụy Thi Hằng. Theo Thẩm Thúy Hằng, vì sinh con lúc ở đỉnh cao sự nghiệp và hoàn cảnh éo le nên bà gửi con cho một người quen nuôi dưỡng. Sau năm 1975, gia đình này đưa con gái bà sang Mỹ định cư. Thẩm Thúy Hằng từng tâm sự bà đau đớn khi con gái không nhận mẹ. Trong một phỏng vấn trên truyền hình Mỹ, con gái Thẩm Thúy Hằng phủ nhận thông tin có mẹ là minh tinh hàng đầu tại Việt Nam.

Những năm gần đây, Thẩm Thúy Hằng sống kín tiếng, đặc biệt sau khi chồng bà qua đời năm 2003. Trong những lần hiếm hoi xuất hiện, bà gây xôn xao vì vẻ ngoài có nhiều thay đổi.

Cách đây vài năm, nữ nghệ sĩ xuất hiện trong đám cưới con của một đồng nghiệp nổi tiếng. Từ đó bà ẩn cư cho đến khi qua đời.