Đối với những ai đã từng sống vào thời bao cấp đầy khó khăn và gian khổ thì cái chạn hay còn gọi là Gạc Măng Rê là vật quen thuộc nhà nhà đều có. Cho dù từ thành thị đến nông thôn, nhà khá giả hay nhà nghèo khó đều có sẵn cái chạn để trong nhà là nơi gia đình cất giữ đồ ăn ngăn không cho chuột bọ xâm nhập. Tùy theo điều kiện, nhà giàu thì có chạn gỗ chắc chắn bền đẹp hơn, nhà nghèo thì chạn có thể được đóng bằng tre.
Chạn Gỗ
Chạn Tre
Ngày ấy nghèo khó cũng chả chả có tủ lạnh nên thức ăn cứ cất vào chạn lâu lâu mang ra hâm lại, chạn chủ yếu để tránh gián, chuột chui vào và con mèo hay chó cũng chả ăn vụng được. Chạn được đặt các tường một góc, dưới mỗi chân chận đều có 4 cái bát mẻ đổ ngập dầu luyn để tránh kiến và các con côn trùng tương tự bò lên.
Chạn có nhiều tầng, tầng trên cùng thường là tầng 3 tầng kín nhất được đóng gỗ kín chỉ để hở qua các khe cửa sổ để cho không khí lọt vào. Tầng 3 có một cánh cửa đôi có khóa gỗ xoay ngang đóng bằng đιин guốc hoặc cái khuy móc cửa được dùng để cất giữ đồ ăn thức uống quan trọng.
Tầng giữa được dùng để úp bát đũa và có thể tận dụng để úp các loại nồi nhỏ. Tầng dưới cùng là vài ba cái hũ dưa Cà hay chai nước mắm dở, túm hành tỏi khô, sấp lá bánh đa nem còn lại, lọ lạc sống và úp xoong nồi, chảo…gầm chạn cao là nơi con Chó thích chui vào nằm nhất cho nên sau này các Cụ hay ví các chàng trai đi ở rể nhà vợ như “Chó chui gầm chạn” là vậy!
Ngoài ra nóc chạn thường được tận dụng để đựng các loại gia vị như muối, đường, nước mắm .v.v. cũng có thể để đựng thêm vài cái rổ, nồi hoặc là hủ rượu nhỏ.
Cái chạn đã gắn bó với con người Việt qua nhiều năm khốn khó cho đến mãi sau này. Nhớ hồi nhỏ mỗi lần đi học về là lục chạn xem có gì ăn cho đỡ đói không, đôi khi chỉ là củ khoai, củ sắn hấp cơm, cơm nguội trong cái bát chiết yêu miệng loe thôi cũng đủ ấm lòng.
Ngày đó Chạn luôn có sẵn lọ muối vừng, có bát mắm dở và vài quả cà thâm đen hên hên thì được thêm vài con tép rang ấy vậy mà cũng đủ vét sạch nồi cơm dư bữa trước. Nhớ Có lần cửa chạn để hở, con chuột nhắt mò vào thế là mấy đứa trẻ sập cửa chạn lại hò nhau bắt, bắt được mừng hớn hở …
Cái chạn chứa đựng cả một thời khốn khó, là đồ vật đơn sơ nhưng không thể thiếu trong mỗi căn bếp cùng cái kiềng đun rơm củi, xoong nồi đen nhẻm nấu cơm. Hiếm có một món sơn hào hải vị nào được cất giữ trong những món đồ đơn sơ đó.
Cái Chạn đi vào tiềm thức tuổi thơ, thân thuộc.