Kể về đêm định mệnh của nghệ sĩ Thanh Nga và những tên ѕát thủ kì bí _ HUSGX

   

Diễn xong vở cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga” ở một rạp hát thuộc quận Bình Thạnh, TP HCM, ngày 26/11/1978, nữ nghệ sĩ Thanh Nga bước lên chiếc xe định mệnh Volkswagen màu xám nhạt về nhà. Chiếc xe này đưa bà ra đi vĩnh viễn ở tuổi 36, sau phát súng quái ác của một kẻ lạ mặt.

Người bị hiềm nghi và chất vấn đầu tiên là vệ sĩ Nguyễn Văn Các, 34 tuổi, làm nhiệm vụ bảo vệ Thanh Nga, ngồi cùng xe với bà trên chuyến đi cuối cùng đó, đã trình bày trước cơ quan an ninh: “Tối hôm ấy, chính chồng của chị Thanh Nga, tức đạo diễn Phạm Duy Lân cầm lái. Thanh Nga ngồi băng ghế phía sau với cháu Phạm Duy Hà Linh, tên thường gọi ở nhà là Cúc Cu, 5 tuổi. Xe nổ máy, tôi ngồi cạnh anh Lân, chạy từ quận Bình Thạnh theo đường Đinh Tiên Hoàng hướng về phía ngã sáu Sài Gòn, chỗ có tượng Phù Đổng Thiên Vương, từ từ dừng trước nhà Thanh Nga số 114 đường Ngô Tùng Châu. Tôi xuống trước, định mở cửa xe để Thanh Nga bước ra sau, nhưng khựng lại vì chợt có một chiếc Honda từ đâu phóng tới, dừng gấp trước cổng nghe một tiếng “xẹt”, một bóng người vội vã nhảy xuống chìa súng vào gáy tôi, quát: “Đứng im… mày la tao bắn chết”.

Hắn đạp người bảo vệ khiến anh Các ngã chúi úp mặt vào trong xe, phía trước, buộc phải nằm im. Chưa kịp hoàn hồn, Các đã nghe tiếng ông Lân kêu lên:

– Đừng có bắt con tôi. Các anh muốn gì thì vợ chồng tôi cũng chịu hết.

Dường như hai bên giằng co nhau rồi một tiếng nổ, giọng Lân thều thào nói với Các: “Các ơi, cậu Ba bị bắn chết rồi” Tiếp đó là giọng Thanh Nga, hoảng hốt:

– Bắn thì bắn chết tôi đi, chớ đừng bắt con tôi.

Nghệ sĩ Thanh Nga và mẹ

Mấy giây sau, Các nghe tiếng nổ thứ hai và tiếng cháu Cúc Cu gọi thất thanh ba ơi, má ơi. Một giọng nói lạ vang lên, gấp gáp: “Thôi đi!”. Khi ấy, Các có cảm giác không còn bị đè bởi chiếc đệm gối nên đứng dậy thì thấy hai bóng người đi xe Honda kia đang rời khỏi chiếc xe hơi. Một tên ngồi lên Honda, do ánh sáng đèn đường lờ mờ nên ông Các không thấy rõ mặt, chỉ nhận ra hắn bận chiếc áo lam nhạt màu. Tên kia cầm súng, nước da ngăm ngăm, để tóc dài, khoảng hơn 30 tuổi, cao chừng thước sáu thước bảy, bận quần đen, áo màu gạch đậm. Bấy giờ tuy đã khuya, ở bên kia đường đối diện với nhà Thanh Nga có hai chị em đang học bài trên lầu khi nghe tiếng nổ và tiếng con nít khóc đã nhìn xuống, thấy hai tên đi xe Honda phóng chạy từ cổng nhà Thanh Nga về hướng ngã sáu Sài Gòn mất dạng. Lúc đó khoảng gần 23 giờ 30, hai vợ chồng nghệ sĩ được đưa vào bệnh viện Sài Gòn cấp cứu.

Khi đoàn khám nghiệm đến bệnh viện thì thi hài của hai người đã được đưa vào nhà xác. Do yêu cầu nghiệp vụ, sáng hôm sau 27/11, đại tá Diệu đề nghị khám nghiệm lại, thì thấy tử thi Thanh Nga vẫn mềm dịu bình thường, tử thi ông Phạm Duy Lân (hơn bà 20 tuổi) tay chân đã cứng, Thanh Nga nằm như người ngủ, sắc mặt vẫn tươi đẹp. Ông Lân người cứng cáp, bị một vết thương ở ngực trái, xuyên thẳng hướng tim ra lưng. Cái chết của đôi vợ chồng nghệ sĩ tài hoa này chấn động khắp cả nước. Ban chuyên án được thành lập và đặc biệt lưu ý tới chuyện trước hôm bị sát hại, Thanh Nga nhận được lá thư nặc danh đòi thanh toán chị.

Lời cảnh báo.

Thanh Nga nhận được lời hăm dọa sẽ bị “thanh toán” qua bức thư giấu tên, cấm xuất hiện oai phong trong vai Trưng Trắc chống “đô hộ Tàu”. Đã một lần, tại rạp Lux B, khi Thanh Nga đang diễn vở “Tiếng trống Mê Linh” chung với Thanh Sang (vai Thi Sách), bất thần bị những kẻ giấu mặt ném lựu đạn về phía sân khấu, rất may bà thoát nạn.

Vụ đó khiến dư luận giật mình, nhiều khán giả hâm mộ đã đặt ra câu hỏi, người nghệ sĩ này có ma lực như thế nào mà luôn bị rình rập?

 

Phòng trinh sát chính trị TP HCM cho biết, sau ngày Thanh Nga mất đã có bữa tiệc ăn mừng tại một quán rượu vắng ở ven đô. Tới lúc “rượu vào lời ra”, những tay bợm nhậu đã chúc tụng hớ hênh nào là: “Mừng bộ trưởng an ninh gặt hái thành công”, nào là “Các chiến hữu hãy tung hô chiến công hành quyết Thanh Nga”. Có những lời nhận định thầm thì hợp thời sự như “Sẽ có viện trợ nước ngoài cho các chiến hữu quân trang quân dụng, do liên bang của mình vừa hạ sát được Trưng Trắc”.

 

“Chắc hông bộ trưởng?”. Có tiếng đáp: “Chắc chớ. Dzô, dzô”. Rồi trong tiếng cụng ly, “những người ngoài cuộc” nghe nhắc đến con số “40 mục tiêu cần được nổ sớm”. Một bóng tửu đồ có học vị tiến sĩ dường như làm “tổng ủy trưởng kế hoạch” họ Thẩm đằng hắng, nghiêm giọng tiết lộ đã “có lệnh đặt chất nổ giật sập tòa báo Tia Sáng và đồng thời tiếp tục trừng phạt một người khác là nữ tài tử Kim Cương”.

Thanh Nga và Thành Được trên sân khấu

Lời nói và thái độ hả hê của nhóm 6 người trong quán lọt vào vòng quan sát và kín đáo lắng nghe của “một người đứng ngoài”, rồi được khẩn báo về đồn công an gần đó. Tức khắc, khi tiệc chưa tan, đội cảnh sát nhân dân đã nhanh chóng lên đường hướng về tửu quán. Tiệc vừa tàn, nhóm “liên bang” mới bước ra cửa, nổ máy xe chạy một đoạn ngắn bỗng nghe tiếng quát: “Dừng lại !”. Hai kẻ chạy thoát. Bốn bị bắt đưa về Sở Công an ngay đêm ấy. Chúng lần lượt khai tên: Mười Núi – chột mắt, chính là “bộ trưởng an ninh” cao giọng nhất trong tiệc; Nguyễn Văn Y – người tự nhận đã siết cò, nổ súng “hành quyết” Thanh Nga; Phan Văn Sơn được “phong” là đã thừa án lệnh xử luôn ông Lân – chồng Thanh Nga và Võ Xuân Dương “bộ trưởng quốc phòng”.

Qua lời khai của nhóm người này, lực lượng an ninh tỏa ra truy bắt gấp rút hơn 100 thành viên khác có chân trong tổ chức phản động mang tên “Lực lượng thống hợp liên bang Đông Dương”, nổi lên một số kẻ cầm đầu như Khiết, Công, Giàu, Mậu… Tất cả đều phải trả lời trước pháp luật về các âm mưu quấy phá chính trị và cốt nhất lúc ấy là khai báo tình tiết quanh việc sát hại nghệ sĩ Thanh Nga: Ai ra lệnh? Ai trực tiếp thực hiện? Bắn bằng súng gì? Đặc điểm nơi gây án? Khi giáp mặt, uy hiếp, Thanh Nga và chồng bà phản ứng ra sao? Một loạt câu hỏi nghiệp vụ đặt ra. Và những câu trả lời của nhóm “liên bang” đều không khớp nhau, không đúng so với các chi tiết thu thập được. Sai cả mô tả hiện trường và tang chứng, mọi thứ… Cuối cùng, “bộ trưởng quốc phòng” Mười Núi đành thú thật đã bịa đặt, nhận bừa là thủ phạm để… gây thanh thế.

Theo Thanhnien.com.vn