Hồng Thập Tự – Một trong những con đường xưa nhất Sài Gòn hoa lệ _ HUSGX

   

Hồng Thập Tự là chữ thập đỏ, dấu hiệu của ngành y tế. Đó cũng là cái tên của một con đường rất quen thuộc trước 75 với biết bao kỷ niệm. Nếu hỏi rằng con đường nào gợi nhớ tới những ký ức thuở xưa đi học, con đường nào mà ai trong chúng ta cũng quen, cũng nhớ, thì đó chính là con đường Hồng Thập Tự.

Đường Hồng Thập Tự là một trong vài con đường xưa nhất của Sài Gòn hoa lệ. Thuở còn đi học, ngày nào tôi cũng phải đi qua con đường này bởi khi đó, nhà tôi ở tuốt chỗ trường đua Phú Thọ. Thoạt tiên vài năm đầu tôi đi xe buýt. Lớn hơn một chút, khoảng lớp đệ ngũ (lớp 8 bây giờ) thì tôi được đi xe đạp (sướng mê tơi!).

Ngã Tư Hồng Thập Tự - Công Lý (bên trái là Dinh Độc Lập, bên phải là Lê Quí Đôn)

Sang đến lớp đệ tam (lớp 10) thì tôi được sắm cho chiếc xe Honda PC 50 (lên tiên chứ chẳng chơi). Rồi khi phải rời ghế nhà trường vào quân đội, thì đơn vị gốc của tôi nằm ở đầu đường Hồng Thập Tự, đối diện với cổng sau Thảo Cầm Viên, mà dân Sài Gòn quen gọi là Sở thú, kế bên cầu Thị Nghè. Được một hai tháng thì tôi chuyển lên Cao nguyên, chân ướt chân ráo hứng ngay cái “Mùa hè đỏ lửa” nóng bỏng, tháng 4-1975…

Tôi sống sót từ Cao nguyên dông về Sài Gòn sau gần một tháng trời đi qua Liên tỉnh lộ 7 – đoạn đường kinh hoàng nối từ Cao nguyên đến Phú Yên, đã bị bỏ hoang nhiều năm. Tôi trở về đơn vị gốc vào đầu tháng 4-1975… Vậy đấy.

Tên đường Hồng Thập Tự tồn tại từ 22-3-1955 cho đến 14-8-1975. Đây là con đường huyết mạch ở Sài Gòn. Trước khi người Pháp đến, nó được gọi là đường Thiên Lý. Khi người Pháp chiếm Sài Gòn họ đổi thành đường Stratégique, sau đó quy hoạch lại thành đường số 25. Từ 1-2-1865, đường đặt tên là Chasseloup Laubat, cho đến 22-3-1955 thời Đệ nhất Cộng Hòa, Tổng thống Ngô Đình Diệm đổi thành đường Hồng Thập Tự. Đến 14-8-1975, chính quyền đổi thành Xô Viết Nghệ Tĩnh và Nguyễn Thị Minh Khai như hiện nay. Thời thế đổi thay nhiều lắm…

Đoạn đường Hồng Thập Tự cũ, đi qua những công trình “để đời”

Thảo Cầm Viên (Sở thú), được người Pháp xây dựng đã trên một trăm năm nay (1864-1865). Người sáng lập cũng là Giám đốc đầu tiên là J.B. Louis Pierre. Ông cũng là người xây dựng vườn Tao Đàn.

Dinh Norodom xây từ thời Pháp (1863 đến 1875), sau đó được xây dựng lại là dinh Độc Lập (7-9-1954), và bây giờ là Hội trường Thống Nhất (25-6-1976).

Trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay là một ngôi trường cũng xưa như con đường đi qua nó. Trường được xây dựng từ ngày 14-1-1874 lần lượt mang các tên Collège Indigène (Trung học bản xứ), rồi Collège Chasseloup Laubat (17-8-1928) theo như tên đường lúc đó (học giả Vương Hồng Sển đã học trường này). Sau năm 1954 trường đổi thành Lycée Jean Jacques Rousseau cũng vẫn do người Pháp quản lý. Từ năm học 1967-1968, trường được giao lại cho Việt Nam, trở thành Trung tâm Giáo dục Lê Quý Đôn (vẫn được học tiếng Pháp 8 giờ mỗi tuần) do người Pháp dạy. Sau ngày 30-4-1975 trường mang tên PTTH Lê Quý Đôn đến nay.

Còn tại sao từ ngày 22-3-1955, đường được đổi tên là đường Hồng Thập Tự – cái tên đáng nhớ nhất với tôi?

Số là tại miền Nam ngày 25-12-1951, Hội Hồng Thập Tự Việt Nam được thành lập tại Sài Gòn, nằm trên con đường lúc bấy giờ mang tên Chasseloup Laubat. Do vậy, đến ngày 22-3-1955 chính quyền Tổng thống Ngô Đình Diệm đã đổi tên nó thành đường Hồng Thập Tự.

Mời quý vị xem thêm những hình ảnh tuyệt đẹp về con đường Hồng Thập Tự trước 1975:

Đường Hồng Thập Tự, bên phải là Bảo sanh viện Từ Dũ và hai xe buýt của Học viện Cảnh sát QG

Đường Hồng Thập Tự gần tới ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm

Ngã tư Nguyễn Bỉnh Khiêm-Hồng Thập Tự

Góc đường Đinh Tiên Hoàng-Hồng Thập Tự

Đường Hồng Thập Tự cạnh đài truyền hình

Đường Hồng Thập Tự, đoạn gần rạp Olympic

Ngã tư Hồng Thập Tự - Pasteur

Đường Hồng Thập Tự, cạnh bên xe tang là hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai ngày nay

Tòa đại sứ Pháp, số 27 Hồng Thập Tự (góc Hai Bà Trưng-Hồng Thập Tự). Sau 1975 đường Hồng Thập Tự được đổi thành Xô Viết Nghệ Tĩnh, sau đó lại đổi lần nữa thành Nguyễn Thị Minh Khai như ngày nay.

Đường Hồng Thập Tự, đoạn giữa Nguyễn Bỉnh Khiêm và Đinh Tiên Hoàng (toà nhà cao là Trụ sở Điện Lực)

Ngã tư Hồng Thập Tự-Lê Văn Duyệt (nay là ngã tư Nguyễn Thị Minh Khai - CMT8)
 

Giao lộ Cao Thắng-Hồng Thập Tự-Cống Quỳnh. Phía trước là Bệnh viện Từ Dũ