Hoàn cảnh sáng tác và ý nghĩa ca khúc "Ướt Mi" - "Ca khúc đầu tay" của Trịnh Công Sơn viết về nữ danh ca Thanh Thuý _ HUSGX

   

Ướt Mi được khán giả yêu nhạc biết đến là tác phẩm đầu tay của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng theo ông cho biết thì bài hát này không phải là bài hát đầu tiên mà ông viết. Và điều đó cũng không quan trọng vì Bài hát này chính là bài hát đầu tiên mang đến tên tuổi cho người nhạc sĩ vô danh họ Trịnh lúc bấy giờ. Nó là bài đầu tiên được xuất bản, bài đầu tiên ông nhận được nhuận bút từ công việc sáng tác… Những cái đầu tiên ấy chính là nền móng cho sự thành công vang dội sau này của ông.

Nói về hoàn cảnh sáng tác của Ướt Mi, nhạc sĩ tâm sự : Năm đó khi trọ học ở Sài Gòn, đêm nào ông cũng đến các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng của cô đã ăn sâu vào trong ông lúc nào không hay. Nói là yêu thì cũng chưa hẳn, bởi ông còn ôm mặc cảm về thân phận khác biệt giữa hai người, một người thì kẻ đón người đưa tấp nập, còn ông thì vẫn chỉ là một người vô danh trong nghề. Dù cho như thế thì không đêm nào ông có thể thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng (dù có đêm ông chỉ đủ tiền để mua một ly nước chanh). Và ông luôn ôm ấp mơ ước phải làm một cái gì đó để tỏ cho nàng ca sĩ biết là ông đang rất ngưỡng mộ nàng.

 

Và điều mà ông khát khao ấy cũng có ngày được thực hiện. Đó là lần đi xem Thanh Thúy hát ở hàng Mỹ Cảnh, ông đã viết vào một mảnh giấy nhỏ, đề nghị ca sĩ Thanh Thúy hát bài “Giọt mưa thu” của Đặng Thế Phong. Và ông rất vui khi cô đã hát bài hát đó, mà còn hát với một cảm xúc rất mãnh liệt, đến mức mà chính cô đã bật khóc. Những giọt nước mắt đọng trên vành mi của người ca sĩ tuổi mới tròn trăng ấy đã gieo vào lòng Trịnh Công Sơn một xúc cảm tràn ngập để chàng viết thành ca khúc Ướt Mi.

Danh ca Thanh Thuý

 Khi hoàn thành, ông nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Nhưng cũng bởi sự nhút nhát, ngại ngùng của tuổi trẻ mà dù có nhiều cơ hội để tặng cho nàng lại cứ thế vụt bay trong sự tiếc nuối. Và cái đêm định mệnh cuối cùng cũng đến, quyết tâm an bài đã thành công. Bản nhạc đã được đưa tận tay người ca sĩ mà ông mến mộ. Đó là vào khoảng năm 1958, và Thanh Thúy cũng chính là người đầu tiên thể hiện ca khúc này - ca khúc mang tựa đề Ướt Mi:

Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…

 Mời quý vị nghe lại ca khúc “Ướt Mi” Trình bày: Thanh Thuý

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Ướt Mi” Trình bày: Thanh Thuý

 Mời quý vị nghe lại ca khúc “Ướt Mi” Trình bày: Khánh Ly

Bấm vào giữa hình trên để nghe “Ướt Mi” Trình bày: Khánh Ly

 Nhìn từng giọt mưa ngoài hiên, cùng với tiếng hát như “tiếng than" trong từng câu ca của một nàng ca sĩ tuổi mới trăng tròn, làm cho lòng của một người thính giả cảm thấy “như chơi vơi”. Nhìn từng giọt “nước mắt hoen mi” của nàng khi thể hiện hết lòng mình trong bài hát, tim chàng bỗng thấy xót xa vô cùng. có lẽ lúc ấy anh chỉ muốn đến bên cạnh cô nói những lời an ủi tự đáy lòng mình rằng “đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca”. Nhưng nếu như giọng ca của một người ca sĩ mà không truyền tải hết những cảm xúc của bài hát thì làm sao có thể khiến cho người thính giả như anh có thể say mê, ngưỡng mộ đến như thế. Sự sầu bi trong từng câu hát đó khiến anh chỉ muốn nhờ màn đêm “ôm ấp giùm ta nhé”, ôm ấp lại bóng hình của một người em đa sầu, đa cảm vẫn thường hay “thương mưa ngâu” và “hay khóc sầu nhân thế”. Và anh cũng có một mong ước rằng người sẽ mang về “tình ấm” cho tâm hồn mình càng thêm say mê. Có lẽ người nhạc sĩ nghèo đã có một mộng tưởng cao xa hơn là chút tình cảm của mình sẽ được nàng ca sĩ đáp lại. Cũng có thể là tình yêu của anh đã vượt trên cả những cảm xúc bình thường đó, và anh mong ước cô sẽ càng thăng hoa hơn trong giọng ca của mình bằng cả những tình ca nồng ấm, chứ không chỉ mãi “khóc sầu nhân thế" như vậy nữa.

Buồn ơi trong đêm thâu, Ôm ấp giùm ta nhé
Người em thương mưa ngâu, hay khóc sầu nhân thế
Người ơi mang về, tình ấm hồn ta thêm say sưa

Nhưng có lẽ nỗi sầu của con người là thứ vô tận nhất, khó nói nhất. Nó như những cơn mưa cứ “lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về”, cứ “kéo dài lê thê những đêm khuya”. Còn thế nhân thì vẫn mãi có những con người cứ ngồi nhìn ngắm những thứ lạnh lùng rơi rớt giữ đêm ấy mà “não nề”, mà xót xa rồi rơi lệ. Đó là nỗi buồn nhẹ nhàng, như  chiếc lá rớt rơi, và cũng lạnh lùng, băng giá “trong một cuối đông”.

Mưa lạnh lùng rơi rớt giữa đêm về, nghe não nề...
Mưa kéo dài lê thê những đêm khuya, lạnh ướt mi
Ai còn nhìn mưa mãi, rớt bên song thêm lạnh lùng
Ai còn buồn khi lá rớt rơi, trong một cuối đông....

Ngoài hiên mưa rơi rơi, buồn dâng lên đôi môi
Buồn đau hoen ướt mi ai rồi
Buồn đi trong đêm mưa, buồn rơi theo đêm mưa

Còn mưa trong đêm nay, lòng em buồn biết mấy
Trời sao chưa thôi mưa, để mắt người em ấy
Từ đây thôi mờ, nước mắt buồn mi em ngây thơ…

Cơn mưa cứ thế, cứ thế lạnh lùng rơi. Mưa rơi như chính nỗi buồn của người em gái nhỏ đang rơi, như nỗi buồn trôi sâu vào lòng em theo từng nhịp rớt rơi của từng hạt mưa. Vậy nên người thính giả đã trót đem lòng mến mộ nàng ca sĩ ấy chỉ có một ước mong cho trời thôi mưa, để cho đôi mắt của người em gái nhỏ ấy thôi vương vấn những giọt lệ u sầu, và trở lại là một ánh mắt “ngây thơ" như là lứa tuổi trăng tròn của em vậy.

Khi ông tặng được bản nhạc cho ca sĩ Thanh Thú, ông chờ đợi sự đáp lời mãi đến hai tuần sau vẫn không thấy được đáp lời. Lúc ông sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời : “Thưa quý vị ! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy....Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cám ơn”...Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của ông cho họ. Dạo nhạc bắt đầu vang lên, nàng cất tiếng hát : “Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi.. Ông đã run lên trong lòng vì sung sướng và xúc động…

 
Sau đó hai người đã có một cuộc gặp gỡ giữa một người ca sĩ và một người nhạc sĩ tại căn nhà nhỏ của cô Thanh Thúy. Và sau đó cũng chính nhờ hình ảnh nơi căn nhà ấy ông đã viết thêm một ca khúc dành tặng cho người em đầu tiên hát ca khúc của mình có tên là Thương Một Người.