Khi được hỏi về hoàn cảnh ra đời của ca khúc Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã chia sẻ rằng: “Tôi còn nhớ ca khúc này và sự chiêm nghiệm của mình như là một tổng kết những gì tôi cảm nhận được từ cuộc đời của tôi, của mọi người. Thực lòng mà nói, tôi chịu ảnh hưởng của Albert Camus trong bài hát này. Trong tác phẩm “Ghi chép ở Angiêri” (Note d'Algérie), ông ghi lại những tiếng chó sủa, những bước chân đi mà ai cũng có thể một lần nghe thấy trong đời mình nhưng không mấy người nhìn ra được điều gì đó từ chúng.
Ngẫm lại đời mình, tôi thấy tôi nhiều muộn phiền. Không hiểu vì sao tôi đã day dứt về sự ra đi, ở lại của cuộc đời từ rất sớm. Tôi đã chọn hình tượng lá cỏ để ví với mình. Vì sao lại là lá cỏ? Có thể cuộc đời rộn ràng có quá nhiều điều để ta phải lưu ý, nhưng trong đó không thể không có sự góp mặt của những điều nhỏ nhoi… ”
Có lẽ chính vì như thế, nên toàn bộ bài hát như là một bức tranh về cả cuộc đời mà nhạc sĩ đã trải qua. Vui có, buồn có, vỡ òa có và còn có cả sự thờ ơ, sự chấp nhận số phận đã an bài. Nhưng những cung bậc cảm xúc ấy được ông diễn tả rất lạ, rất độc đáo qua cái nhìn của một người “phù thủy âm nhạc”.
Một đêm bước chân về gác nhỏ
Chợt nhớ đóa hoa Tường Vi
Bàn tay ngắt hoa từ phố nọ
Giờ đây đã quên vườn xưa
Bức tranh dần hiện ra theo bước chân trong đêm “về gác nhỏ” của một chàng trai. Trong sự cô đơn, lạc lõng giữa màn đêm ấy, chàng “chợt nhớ đóa hoa Tường Vi” và nhớ một bàn tay ngắt đi đóa hoa ấy trong khu “vườn xưa”. Nhưng đó chỉ là quá khứ mà thôi, vì “bàn tay” ấy giờ đã quên mất khu vườn và quên luôn cả chàng trai ấy. Chỉ để lại cho anh một nỗi nhớ đến chạnh lòng giữa màn đêm vắng lặng.
Nhưng không thể vì thế mà cuộc đời chờ đợi mình được nên anh vẫn tiếp tục ôm nỗi lòng nặng trĩu và bước đi. Chân anh “một hôm bước qua thành phố lạ”, nhưng dường như thành phố ấy hiểu anh, nó đón anh bằng một sự tĩnh lặng như là cõi lòng của anh vậy. Vậy nên anh thấy đời mình “có khi tựa lá cỏ”, một lá cỏ bình thường nơi ven đường, tự sinh tự diệt không có ai để ý đến. Đời anh chỉ mình anh mới biết, dù là lá cỏ không được người đời chú ý, nhưng anh lại có được một cuộc sống tự do “ngồi hát ca” mà không phải ai cũng có được.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" Trình bày: Khánh Ly
Bấm vào để nghe ca khúc "Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" Trình bày: Khánh Ly
Một hôm bước qua thành phố lạ
Thành phố đã đi ngủ trưa
Đời ta có khi tựa lá cỏ
Ngồi hát ca rất tự do
Nhiều khi bỗng như trẻ nhớ nhà
Từ những phố kia tôi về
Ngày xuân bước chân người rất nhẹ
Mùa xuân đã qua bao giờ
Nhiều đêm thấy ta là thác đổ
Tỉnh ra có khi còn nghe
Và bàn chân “tự do” ấy cũng có ngày mỏi bước, rồi “bỗng như trẻ nhớ nhà” anh “từ những phố kia tôi về”. Anh bước về nhà những bước chân “rất nhẹ” trong ngày xuân. Lòng anh như được an ủi, như được sống lại bởi một chút hương vị của ngày xuân ấy. Nhưng niềm vui thường ngắn ngủi, mùa xuân ấy anh chưa kịp cảm nhận hết thì “đã qua bao giờ”. Và những niềm đau, những cảm xúc ấy lại vỡ òa trong đêm như thấy “ta là thác đổ”. Tưởng đã quên đi, đã tự do, đã tư lự bước bên đời một cách nhẹ nhàng thì thác trong lòng lại chợt đổ về trong cơn mơ, không để cho bản thân mình kịp chuẩn bị - Và khi choàng tỉnh cũng chưa thể thoát ra hẳn những dòng thác đó. Cảm xúc chính là như vậy, rất khó lý giải được, đôi khi ta cứ ngỡ rằng đã quên đi, đã ngủ yên nhưng nó lại sống dậy lúc mà ta không hề phòng bị, và cho ta thấy nó thật sự rất mãnh liệt, mãnh liệt như là “thác đổ”.
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" Trình bày: Quang Dũng
Bấm vào để nghe ca khúc "Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" Trình bày: Quang Dũng
Nhưng khi trở lại với cuộc sống bình thường, anh lại tiếp tục với những bước chân của cuộc đời mình. “Một hôm bước chân về giữa chợ” anh lại chợt thấy mình “vui như trẻ thơ”, một niềm vui nhỏ khi hòa chung nơi dòng người tấp nập. Và cũng chợt thấy đời mình như “là đốm lửa” được nhóm lên “trong vườn khuya”. Anh mới nhận ra rằng đời mình đôi lúc cũng có ý nghĩa, dù là chỉ được thắp sáng lên một đêm thôi thì đốm lửa nhỏ đó có khi sẽ mang lại cho một ai đó một điều tuyệt vời trong phút chốc chăng? Và anh cũng cảm nhận được ai đó vừa mới ngang qua đời mình, dù chỉ như là đóa hoa mới nở nơi vườn khuya rồi chợt tàn nhưng hương thơm của nó cũng vương lại nơi anh dù chỉ là thoáng qua thôi
Một hôm bước chân về giữa chợ
Chợt thấy vui như trẻ thơ
Đời ta có khi là đốm lửa
Một hôm nhóm trong vườn khuya
Vườn khuya đóa hoa nào mới nở
Đời ta có ai vừa qua
Mời quý vị nghe lại ca khúc "Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" Trình bày: Tuấn Ngọc
Bấm vào để nghe ca khúc "Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ" Trình bày: Tuấn Ngọc
Qua tất cả, anh cũng thấy mình đã trải qua hết tất cả những điều mới lạ trên cuộc đời. Những niềm đau cũ dường như đã trở thành một nấm mồ nằm lại cùng với “trăm nghìn nấm mộ” mà anh đã nhìn thấy.
Nhiều khi thấy trăm nghìn nấm mộ
Tôi nghĩ quanh đây hồ như
Đời ta hết mang điều mới lạ
Tôi đã sống rất ơ hờ
Lòng tôi có đôi lần khép cửa
Rồi bên vết thương tôi quỳ
Vì em đã mang lời khấn nhỏ
Bỏ tôi đứng bên đời kia
Lòng anh cũng “có đôi lần khép cửa”, nhưng những vết thương lòng nói khép cũng không hề dễ dàng. Bởi vì chính em, chính bàn tay nhỏ đã ngắt đi đóa tường vi năm đó đã “mang lời khấn nhỏ, bỏ tôi đứng bên đời kia”. Tình cảm đó, nỗi đau đó tưởng chừng như đã qua, đã quên tự bao giờ nhưng lại như là “thác đổ” từng đêm lại đổ về trong giấc mộng tàn phá cõi lòng vốn đã bị tàn phá bởi nỗi buồn ấy.
Bài hát còn được nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoàng Ngọc Hiến đề cử ca từ của nó - nếu được tách rời khỏi lời nhạc - là một bài thơ tình hay nhất thế kỷ.
Còn đối với riêng mình tôi, khi tôi nghe Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ tôi có cảm giác như lòng mình đang được gột rửa bằng một dòng nước đổ xuống trong vắt. Là thác nhưng không quá ồ ạt, không quá ồn ào trong một đêm tĩnh lặng. Và là một chuyện tình đã kết thúc nhưng tựa như những cảm xúc ấy vẫn từng ngày, từng giờ đang sống, đang cồn cào, da diết đổ về theo dòng thác miệt mài của lòng người vậy. Và đôi khi tôi còn thấy dòng thác ấy như là những dòng nước mắt không bao giờ cạn mà nhạc sĩ đang âm thầm khóc trong đêm tối, cho chính cuộc tình êm đềm mà u sầu đã đến và đi trong cuộc đời mình, bỏ lại cho ông một nỗi cô đơn đến quặn lòng như vậy.
Hồi Ức Sài Gòn Xưa biên soạn