Hoài niệm một thời đã qua: Những món ăn, hàng quán nổi tiếng ở Sài Gòn xưa _ HUSGX

   

Bụng phải đói thì mới “lột tả” hết cái ngon của đồ ăn – Tôi khá tâm đắc với ý kiến này, cái bụng lép kẹp lúc nào cũng sôi lên ùng ục, ngồi kể với nhau nghe những món ăn khoái khẩu của mình. Ăn uống “hàm thu” mà sao có cảm giác ngon thế không biết, còn ngon hơn gấp vạn lần so với ăn …. thực thụ!

Ngày xưa, khi đất nước vẫn còn rơi vào điêu linh, nghèo đói, thứ có thể ăn được chỉ có khoai mì và bo bo….nhưng lại được xem là cao lương mỹ vị. Ngồi nhấm nháp “cao lương” là thế nhưng lòng ai mà chả tức, hết người này đến người kia khéo chơi chữ mà đặt tên, mỉa mai chẳng khác gì món “mầm đá” của vua chúa thời xửa xưa! Nhưng nói thì nói vậy, cuối cùng vẫn phải ăn để sống…..

Cuối cùng thì cũng gắng gượng cho qua để mà sống đến cái thời ăn uống hoa lệ của Sài Gòn, một trong những món ngon phải kể đến là phở. Chả ai chắc chắn được phở có nguồn gốc từ đâu, nhưng phở Sài Gòn mà ăn kèm với chút rau giá, ngò gai, húng quế vẫn ngon “nhức nách”. Vào Sài Gòn là phải kể đến đường tên Turc (Thổ Nhĩ Kỳ), một đầu là đường Tự Do (Catinat), đầu kia là đường Hai Bà Trưng (Paul Blanchy). Tiệm phở Bắc trong khuôn viên này cũng lấy tên là phở Phở Turc, gần với một nhà thờ Hồi giáo, ăn một lần là nhớ mãi, cũng xưa lắm rồi, không biết nơi đó có còn không?

Ngay bên hông của rạp Casino Sài Gòn có một con hẻm nhỏ, trong đó có một dãy nhà, đa phần là người Bắc di cư vào, tiệm phở Minh được mở ngay trong dãy nhà đó. Ngay trên đường Massiges (nay đổi tên thành đường Mạc Đĩnh Chi), gần bên hông Tòa Ðại Sứ Mỹ ngày nay cũng có một quán phở Cao Vân, phở ở đây chỉ thuộc loại “thường thường bậc trung”. Nếu được xếp trong Quân Tử Vị thì phở chính là một thứ quà đáng quý trên đời, chủ của phở Cao Vân ngày trước nay là một ông cụ Bắc Kỳ đã hom hem theo năm tháng. Ông không còn đứng ra để nấu phở như thuở nào, mà chiều chiều cùng với vài “chiến hữu” hưởng nhà, lai rai vài chun rượu nhỏ….

Còn trên đường Pasteur thì phải điểm qua Phở Hòa, tiệm này cũng khá nổi tiếng. Khai trương đâu năm 1960, ban đầu thì lấy tên là phở Hòa Lộc, về sau khách cứ toàn gọi tắt là Hòa nên cái tên Hòa Lộc cũng bị đổi thành Hòa khi nào chả hay. Phở Hòa thì chỉ chuyên bán những loại phở bò thôi, nếu muốn ăn phở gà thì vào đây chẳng thể nào tìm thấy được mà phải chịu khó đi xa thêm xíu ở đường Hiền Vương (nay là đường Võ Thị Sáu) – phở gà Hương Bình. 

Còn hỏi quán phở ở khu trung tâm Sài Gòn thì phải nói đến tiệm phở 79 nằm ở số 79 đường Võ Tánh. Quán này mở năm 1952, ban đầu thì nền nhà của tiệm còn thấp hơn mặt đường nhưng kinh doanh vài năm phát đạt, chủ đã mua hẳn căn nhà kế bên để mở rộng quán phở. 

Còn ai ở khúc Phú Nhuận thì chắc sẽ biết đến quán phở Quyền trên đường Võ Tánh ngay khúc ngã tư Phú Nhuận, cách cổng phụ Tổng Tham Mưu chừng 100m. Nước phở ở đây phải nói là đậm đà vô cùng, vị ngọt của nước dùng là từ xương hầm chứ không phải từ bột ngọt. Đến với phở Quyền thì phải thử ngay “tái sách tương gừng” trứ danh, khiến bao người mê đắm.

Trong đợt di cư năm 1954, con cháu của những gánh phở nổi tiếng ngoài Bắc vào Nam lập nghiệp nhiều lắm,  trong cơ hội lịch sử này có phở Tàu Bay. Quán này có từ thời ông nội năm 1950, ông chủ quán được người bạn tặng cho chiếc mũ bay và ông thương xuyên đôi nó để bán phở. Khách đến ăn thấy lạ, cứ gọi ông là “Tàu Bay” nên thành ra chết cái tên luôn. Hình như trên đường Lý Thái Tổ vẫn còn cái tiệm Phở Tàu Bay hoạt động, khách quen chịu khó mò tới cũng nhiều lắm, bởi cái hương vị đặc trưng và đặc thù mà nơi khác không có được. Gọi thêm nước béo, nhà phở đem ra cả tô chứ không bằng chén nhỏ như những tiệm khác. Tô đặc biệt của Tàu Bay lại là tô “Xe Lửa,” bánh và thịt trên mức hậu hĩnh.…

Kể từ cái hồi mà dân Bắc kéo nhau tản cư vào Nam thì mấy tiệm phở cạnh tranh nhiều với mấy tiệm hủ tiếu – đây vốn là “đặc sản” miền Nam. Hủ tiếu nổi tiếng là nhắc đến quán Thanh Xuân ở đường Tôn Thất Thiệp ở gần chùa Chà Và, hoặc là quán Phạm Thị Tước ở đường Lê Lợi (khúc gần đến Pasteur),…

Thường thì hủ tiếu là dạng bánh mền, nhưng chỉ riêng Thanh Xuân hoặc Mỹ Tho là có thêm bánh dai, muốn ăn khô hay nước thì tùy ý mà gọi. Nước lèo ở đây, phải nói là thơm nức mũi, xông thẳng vào khứu giác của thực khách làm bụng ai cũng gào thét. Ăn hủ tiếu thì làm sao mà thiếu dĩa rau được, nhìn cái dĩa dọn ra trước là bắt mắt rồi: giá, hẹ, rau cần tàu, tần ô và vài cọng xà lách. Nhiều chỗ khác thì rau cũng thế nhưng Phạm Thị Tước thì không có rau cần tàu.

Hủ tiếu bình dân thì là những chiếc xe đẩy bán dạo, bán từ tờ mờ sáng cho đến khi đêm muộn, cứ nghe thấy tiếng rao cùng với tiếng gõ gõ là……lòng cứ thấy nao nao!

Còn có một món được coi là “khoái khẩu” của người Sài Gòn là….bánh mì thịt nguội, trong đó có jambom, pate, đồ chua, thêm một chút sốt mayonaise! Một trong những tiệm bán bánh mì thịt nguội ngon và có tiếng ở Sài Gòn từ những năm 1954 mà còn tồn tại đến nay thì có Hòa Mã. Tiệm này nằm trên đường Cao Thắng, gần khu Bàn Cờ. Đến tận ngày nay, tiệm Hòa Mã cũng không có quá nhiều sự thay đổi, tấm bảng hiệu cũ phải màu theo năm tháng vì đã hơn 50 năm tồn tại.

Ngoài ra còn có xe bánh mì Tám Lự, nằm cũng gần khu chợ Bàn Cờ, nhưng nơi đây chỉ bán từ sẩm tối và kéo dài cho đến đêm khuya. Bánh mì Tám Lự, một ổ dài cỡ 4 tấc, gần hai gang tay, tối ăn vào là no đến tận sáng. Bánh mì ngon, có pate, chả lụa, bơ còn được cho thêm dưa leo, ngò, hành, ớt,….

Còn nếu muốn sang sang hơn xíu thì cứ tìm đến bánh mì Pate Tòa Đô Chánh trên đường Nguyễn Huệ hoặc Hương Lan trên đường Tự Do (sau này thì đổi tên thành Đồng Khởi),….Gọi một đĩa bánh mì thêm một ly cà phê sữa đá là xong bữa sáng. Tiệm Thanh Bạch sẽ là nơi lý tưởng cho những ai muốn vừa ăn sáng vừa ngắm cảnh người Sài Gòn. Sài Gòn có tận hai tiệm Thanh Bạch: Một là đường Lê Lợi, kế rạp Vĩnh Lợi – Một là ở Phạm Ngũ Lão, cùng dãy với khu phố trệt dưới toàn soạn nhật báo Sài Gòn Mới xưa. 

Ở gần nhà thờ Tân Dịnh có một con đường tên là Ðinh Công Tráng – đây chỉ là đường nhỏ nhưng lại đi vào lịch sử ăn uống Sài Thành với món bánh xèo trứ danh. Ngày nay, đường này trở thành “đường bánh xèo”, người sành ăn sẽ tấp vào quán bên trái nếu đi từ hướng Hai Bà Trưng vào. Những quán đối diện tuy trong sạch sẽ và lịch sự hơn nhưng lại bán sau và hương vị thì không bằng, nên chịu cảnh “vắng khách”.

Gần khu chợ Đa Kao, Quận 1 nổi tiếng với tiệm bánh cuốn Tây Hồ tọa ở số 127 đường Đinh Tiên Hoàng – Ở đây, mỗi bàn sẽ có sẵn một thẩu nước mắm, xếp thêm một chồng chén nhỏ để thực khách tiện sử dụng, có trưng bày thêm ớt để mỗi người tự pha theo khẩu vị. Nhưng, có khách lại thích chan trực tiếp nước mắm vào đĩa bánh, để thấm đều và đậm đà hơn khi ăn. Chả quế và giò lụa – miếng nào miếng nấy “bự chảng”, xếp riêng một dĩa nhỏ. Khách có thể ăn bánh cuốn nhân thịt mà không đụng vào đĩa chả thì người phục vụ sẽ không tính thêm tiền. 

Bánh ướt cũng là một dạng của bánh cuốn nhưng theo phong cách bình dân ở Sài Gòn, ăn kèm với bánh tôm chiên, nem, chả, giá cắt nhỏ. Những xe bánh ướt được đẩy đi khắp Sài Gòn, nồi hấp đậy kín nên lúc nào mở ra cũng nghi ngút khói và bánh thì lúc nào cũng nóng hổi.

Trên đường Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu) có một tiệm cháo giò heo khá nổi, tiệm này không có tên, bán đâu độ từ 6h tối cho đến tầm 1-2h sáng hôm sau. Khách của tiệm chủ yếu là người đi chơi đêm, khách nhau, khuya về đói thì ghé quán làm tô cháo nóng hỏi ấm bụng rồi về đánh một giấc đến sáng.

Còn nhớ, ở góc đường Lê Lợi – Pasteur có một xe bò bía và nước mía Viễn Đông, kế đó là ông chú người Tàu bán phá lấu mùi thơm thoang thoảng khiến người đi đường không cầm lòng được mà tấp vào. Phá lấu nói chung có vị hơi ngòn ngọt, gan thì bùi bùi, lòng thì hơi dai dai nhưng khi nhai kỹ mới thấy ngon… thấu trời xanh! Gần đó lại có thêm xe bán thịt bò khô, nghe nói sau năm 1975 thì dời về Tự Đức (đường Nguyễn Văn Thủ ngày nay).

Dân chơi Sài Gòn truyền tai nhau câu: “Ăn quận 5, nằm quận 3, xa hoa quận 1” nên nếu kể món ngon Sài Gòn mà thiếu khu Chợ Lớn thì thôi rồi! Chạy dọc Trần Hưng Ðạo nối dài với đường Marins (Ðồng Khánh) thuộc khu quận 5 thì thấy ngay những gia nhà hàng, tửu lầu cao cấp và nổi tiếng một thời như Arc-en-Ciel, Ðồng Khánh, Á Ðông, Bát Ðạt….

Đời người vốn là như thế, có hưng chắc chắn sẽ có tàn, cũng như vận nước lúc suy lúc thịnh. Ngồi buồn nên viết lại đôi dòng về món ngon Sài Gòn để thõa mãn cái thú ăn “hàm thụ”, chứ giờ có ăn “thực thụ” cũng chẳng thấy ngon như hồi đó nữa. Tất cả chỉ còn là….hoài niệm mà thôi!

1975