Có ai còn nhớ đến "Nhà Đèn Chợ Quán" - Công trình lịch sử lâu đời hàng trăm năm gắn liền người dân Sài Gòn xưa _ HUSGX

   

Người Sài Gòn không mấy ai không biết đến địa danh Chợ Quán. Chợ Quán nguyên là tên một xứ đạo hình thành vào khoảng cuối thế kỷ 18. Nhà thờ Chợ Quán xây dựng từ 1887 đến 1896 – một trong vài nhà thờ xây dựng sớm nhất và đẹp nhất tại Sài Gòn. Dần dần khu vực này phát triển thành một phần của đô thị Sài Gòn mở rộng hồi cuối thế kỷ 19, địa danh Chợ Quán gắn liền với hai công trình dân sinh khác, đó là Nhà đèn Chợ Quán và nhà thương Chợ Quán.

Lúc mới hoàn thành (năm 1896), nhà đèn Chợ Quán được coi là một biểu tượng của kỹ nghệ nhiệt điện Pháp và là một trong số ít những công trình tân tiến của nền công nghiệp phương Tây ở xứ sở Đông Dương.

Nhà đèn Chợ Quán nằm bên Bến Hàm Tử, Sài Gòn năm 1965-1966. Đây là nhà máy điện lớn và quan trọng nhất của Sài Gòn trước 1975.

Hỏi người Sài Gòn: nhà đèn Chợ Quán ở đâu thì chắc chắn sẽ nhận được câu trả lời, nó ở kế bên nhà thương Chợ Quán. Hỏi tiếp, vậy chớ nhà thương Chợ Quán ở đâu, thì nghe: cứ kêu taxi hay xe ôm chạy tới vùng Chợ Quán hỏi thì ai cũng biết! Hóa ra hai cái “nhà” này nằm kế nhau trên đường bến Hàm Tử (cũ), nơi giáp ranh quận Một và quận Năm, quay mặt ra sông Bến Nghé – con sông thông thương giữa sông Sài Gòn, vùng Bến Nghé với vùng Chợ Lớn và đi về miền Tây.

Lúc mới hoàn thành (năm 1896), nhà đèn được coi là một biểu tượng của kỹ nghệ nhiệt điện Pháp và là một trong số ít những công trình tân tiến của nền công nghiệp phương Tây ở xứ sở Đông Dương.

Vậy tại sao không gọi Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện Chợ Quán (như nhà máy điện Yên Phụ ở Hà Nội)? Có lẽ phải trở về lịch sử chiếu sáng đô thị Sài Gòn. Từ năm 1867 ở Sài Gòn, chủ yếu là khu trung tâm quận Nhất hiện nay, đã có đèn thắp sáng đường phố bằng dầu dừa, nhưng chỉ gần ba năm sau, 1870, đã có đèn thắp sáng bằng dầu lửa. Đèn dầu lửa sử dụng liên tục mấy chục năm. Đến đầu thế kỷ 20 bắt đầu có đèn điện chiếu sáng từng khu vực rồi mở rộng sang vùng Chợ Lớn. Vì vậy, gọi là Nhà đèn là vì nhà máy làm cho đèn điện cháy sáng, kể cả đèn điện ở trong nhà lẫn đèn điện ở ngoài đường. Người Sài Gòn giải thích giản đơn như vậy.

Với quy mô lớn, nhà đèn có công suất đủ cho nhu cầu điện lực của Sài Gòn – Chợ Lớn và một số đô thị phụ cận.

Nhiều người, cả tôi nữa, vẫn cho rằng Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện sớm nhất Sài Gòn, có khi sớm nhất nước, nhất Đông Dương. Nhưng hóa ra không phải! Sài Gòn có nhà máy điện đầu tiên vào khoảng năm 1897 nhưng nó ở vào vị trí Công ty Điện lực trên đường Hai bà Trưng phía sau Nhà hát Lớn bây giờ. Sau đó có thêm một vài nhà máy điện nhỏ khác nhưng chỉ cung cấp điện cho từng khu vực. Nhà đèn Chợ Quán xây dựng vào năm 1922 với công suất đủ cho nhu cầu của Sài Gòn – Chợ Lớn và một số thị trấn phụ cận như Lái Thiêu, Thủ Dầu Một, đồng thời từ lúc này này hầu hết các đường phố Sài Gòn – Chợ Lớn đều được chiếu sáng bằng điện của “nhà đèn” Chợ Quán nên tên gọi này được nhiều người biết và nhớ cho đến nay, khi nhà máy đã đi vào quá khứ hơn chục năm.


Trong những thập niên 1950 - 1970, nhà đèn Chợ Quán vẫn là nguồn điện chính của Sài Gòn.

Nhà đèn Chợ Quán nằm kế sông Bến Nghé, cũng như nhà máy điện Yên Phụ ở Hà Nội nằm cạnh bờ đê sông Hồng. Con sông là đường vận chuyển than – nhiên liệu chính của máy phát điện. Sau này nhà máy có máy phát điện bằng dầu Diezen nhưng người Sài Gòn đã quen với những ống khói cao tuôn những cột khói trắng lan nhanh trên bầu trời xanh. Nếu thấy từ phía nhà đèn Chợ Quán những cột khói đen là dân Sài Gòn biết có sự cố, coi chừng mất điện. Hàng ngày vào lúc mười hai giờ trưa, cũng từ đó khói trắng dày hơn, rồi vang lên một hồi còi dài. Thợ thuyền thì gọi là còi tầm (thay ca kíp) còn công chức thì biết đến giờ nghỉ trưa. Từ các nhà máy, công sở người tuôn ra, đường phố tấp nập giữa cái nắng gay gắt và ngay cả trong cơn mưa tầm tã…

Đã lâu rồi trong các đô thị không còn vang lên tiếng còi tầm dù nhịp sống vẫn vội vã như thế. Vắng những tiếng còi tầm, tiếng chuông nhà thờ hay chỉ tiếng chuông đồng hồ thong thả trong từng ngôi nhà, dường như con người ít khi biết giật mình nhìn lại…

Sau 1975, nhà đèn tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của Công ty điện lực TP HCM. Đến đầu những năm 2000, nhà đèn ngừng phát điện và năm 2008 chính thức bị "khai tử" khi được quy hoạch thành khu phức hợp văn phòng - trung tâm thương mại.

Khi đại lộ Đông – Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt) đang xây dựng thì từ đầu năm 2008, khu vực nhà đèn Chợ Quán rộng 6,5 ha được quy hoạch thành Khu phức hợp văn phòng – trung tâm thương mại – khách sạn – căn hộ (gọi tắt là khu phức hợp). Nhà máy điện Chợ Quán đã ngừng phát điện, những tòa nhà đồ sộ hồi nào xây bằng gạch lâu ngày ám khói đen, những ống khói vươn cao không còn nữa, nhà thương Chợ Quán cũng xây mới và đổi tên thành Trung tâm bệnh nhiệt đới.

Rạch Bến Nghé - Nhà đèn Chợ Quán

Trung tâm vô tuyến điện Sài Gòn & Nhà đèn Chợ Quán (đường Bến Chương Dương)

Trung tâm vô tuyến điện Sài Gòn & Nhà đèn Chợ Quán - Xe điện Tramway trên đường Bến Chương Dương

Rạch Bến Nghé và Sông Sài Gòn

Cảnh quan nơi này đã thay đổi hoàn toàn. Địa danh Chợ Quán chắc không lâu nữa ít người biết đến, bởi vì thế hệ cư dân gắn liền với địa danh này đã vào lứa tuổi xưa nay hiếm. Ký ức của họ về nhà đèn Chợ Quán mà họ muốn kể cho con cháu có chăng chỉ còn trong trí nhớ, trên vài tấm bưu ảnh. Ngay cả cái tên nôm na “nhà đèn”, “nhà thương”, “nhà dây thép” (bưu điện) chỉ còn đâu đó trong vài đoản văn nhớ về xưa cũ. Với những người phải rời chốn này sinh sống ở phương xa, nhớ về Sài Gòn là nhớ những gì gắn bó thân thuộc hàng ngày, con đường góc phố, quán cà phê nhỏ, cây điệp vàng, hoa dầu hai cánh xoay xoay… tất cả thuộc về đời sống bình thường nhưng cũng là “chứng nhân” của bao thăng trầm của đô thị Sài Gòn.

Là sự trùng hợp hay hữu ý mà nhà máy điện Yên Phụ ở Hà Nội cũng đã tháo dỡ và ngưng phát điện từ năm 1988, thay vào đó là công trình trụ sở Tổng công ty điện lực Việt Nam VNE. Còn ở Sài Gòn, chỗ nhà đèn Chợ Quán nay cũng được quy hoạch “xây dựng công trình khu văn phòng công ty Điện lực TP.HCM làm điểm nhấn phát triển các công trình xung quanh”. Đối với những trung tâm kinh tế – văn hóa – chính trị thì nguồn điện là năng lượng quan trọng không thể thiếu được cho đời sống và sản xuất kinh doanh, vì vậy nhà máy điện là một trong những cơ sở hạ tầng dịch vụ quan trọng nhất của đô thị. Bởi vậy trong ký ức đô thị của người Sài Gòn luôn hiện diện nguồn ánh sáng từ nhà đèn – như một biểu tượng của nếp sống văn minh.

Khu phức hợp hiện đại thì cũng cần, nhưng vì thế mà phế bỏ chứng tích văn minh đô thị ngót trăm năm thì như vậy lại không phải đạo. Không biết trong tòa nhà hoành tráng kia có góc nào dành cho ký ức về nhà đèn Chợ Quán hay không?

Những kỷ vật của Nhà đèn Chợ Quán trứ danh Sài Gòn

Nằm bên bến Hàm Tử (quận 5, TP HCM), Nhà đèn Chợ Quán là nhà máy điện lớn và quan trọng nhất của Sài Gòn thời kỳ trước 1975. Ảnh: Một khu nhà cũ của Nhà đèn xưa còn sót lại đến nay.

Lúc mới hoàn thành, nhà máy được coi là một biểu tượng của kỹ nghệ nhiệt điện Pháp và là một trong số ít những công trình tân tiến của nền công nghiệp phương Tây ở xứ sở Đông Dương. Ảnh: Còi báo sự cố mực nước trong bao hơi gắn với tua-bin, từng được sử dụng ở Nhà đèn Chợ Quán. Hiện vật trưng bày tại Bảo tàng TP HCM.

Với quy mô lớn, nhà máy có công suất đủ cho nhu cầu điện lực của Sài Gòn – Chợ Lớn và một số đô thị phụ cận. Ảnh: Đồng hồ kiểm tra vận tốc máy tua-bin khi khởi động của Nhà đèn Chợ Quán.

Trong giai đoạn thuộc địa, Nhà đèn Chợ Quán là nơi xuất phát của nhiều cuộc đấu tranh của công nhân nhằm chống lại sự bóc lột của những chủ nhân người Pháp. Ảnh: Đồng hồ kiểm tra vận tốc vòng quay tua bin của Nhà đèn.

Trong những thập niên 1950 - 1970, Nhà đèn vẫn là nguồn điện chính của Sài Gòn và khu vực phụ cận. Ảnh: Đồng hồ kiểm soát nhiệt độ hơi nước vào máy tua-bin.

Sau 1975, Nhà đèn tiếp tục hoạt động dưới sự quản lý của Công ty điện lực TP HCM. Ảnh: Van mở dầu cung cấp cho lò hạ áp.

Đến đầu những năm 2000, nhà Đèn ngừng phát điện. Ảnh: Đồng hồ ghi giờ thông số vận hành.

Năm 2008, Nhà đèn chính thức bị "khai tử" khi được quy hoạch thành Khu phức hợp văn phòng - trung tâm thương mại

Được coi là một "chứng nhân lịch sử" của Sài Gòn, sự biến mất của Nhà đèn Chợ Quán không khỏi khiến nhiều người tiếc nuối. Ảnh: Đồng hồ kiểm tra điện thế công suất, cường độ máy tua-bin.

Bộ phận kiểm tra nhiệt độ làm mát từng được sử dụng ở Nhà đèn.