Chuyện tình buồn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và nàng Á hậu xinh đẹp qua ca khúc "Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng" _ HUSGX

   

"Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng
Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông..."

Đây là câu hát quen thuộc của bài hát Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng do nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác. Một bài hát chất chứa những nỗi niềm day dứt, những nốt trầm buồn trong cuộc đời của một người nhạc sĩ đa tình. 

Cuộc đời ông có lẽ là muôn màu muôn vẻ, và không bao giờ vắng hình dáng của những bóng hồng ngang qua. Họ đến, ở lại trong thoáng chốc rồi đi, có người đi rồi lại trở về. Nhưng cũng có người không bao giờ có thể gặp lại, mối tình của ông trong Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng có lẽ chính là một mối tình như thế. Đó là một câu chuyện tình đẹp với một nàng Á hậu có tên là Trần Vân Anh. 

Trịnh Công Sơn gặp Vân Anh lần đầu là lúc ông được mời làm giám khảo cho một cuộc thi Hoa hậu mà cô có tham gia vào năm 1990 (đây là tiền thân của cuộc thi Hoa Hậu Việt Nam ngày nay). Trong ba người lọt vào vòng cuối cùng, sắc vóc của cô là nổi bật nhất. Nhìn dáng người cân đối, nụ cười, đôi mắt sáng ngời của cô nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng không kìm lòng được mà buông lời khen ngợi.

Theo như một người em của ông - Trịnh Xuân Tịnh (người đã theo ông rong ruổi trên những nẻo đường giang hồ phiêu bạt, đi đến tận chân trời cuối đất), thì sau cuộc thi đó hai người có dịp tái ngộ tại một phòng triển lãm tranh, anh nói: “Hôm ấy, giữa phòng triển lãm tranh, có người con gái tha thướt trong chiếc áo lụa màu ve chai. Một thoáng ngỡ ngàng bởi anh Sơn rất quen. Đôi mắt, đôi môi, nụ cười ấy tỏa sáng và tinh khiết. Khoảnh khắc đó đã thực sự bùng cháy". Và kể từ đó trở đi, căn nhà 47C Phạm Ngọc Thạch, quận 1, TP HCM có thêm bóng dáng của một người phụ nữ. 

Á hậu Trần Vân Anh

Khoảng thời gian đó có lẽ là khoảng thời gian mà Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn của chúng ta rất hạnh phúc. Vì sự xuất hiện của nàng Á hậu đã làm cho ông cảm nhận được sự bình yên cô ấy cũng “ghiền” những món ăn ưa thích thường ngày của ông, và cũng được mẹ ông vô cùng yêu quý. Dù hai người chênh lệch tuổi tác khá là lớn, nhưng “tài-sắc” thì vô cùng vẹn toàn. Tất cả người thân, anh em và bạn bè của ông đều vui mừng chúc phúc khi hay tin ông và cô ấy chuẩn bị về chung một nhà. Theo mọi người thì đây cũng chính là lúc mà ông có dự định cưới vợ “mãnh liệt” nhất sau những ngày dài cô đơn chiếc bóng.

Nhưng mọi sự đều không như mong muốn của con người. Nàng Á Hậu bỗng nhiên bặt vô âm tính giữ niềm hạnh phúc đang trào dâng ấy. Và cô cũng bặt vô âm tính trong suốt hơn 30 năm qua. Không ai biết được nguyên nhân của sự mất tích đó!? Cũng có lẽ là vì sự ra đi quá đột ngột đó đã mang lại một nỗi đau quá lớn cho người trong cuộc, nên dù có biết cũng chẳng ai nói về nguyên nhân của sự tan vỡ đó cả. 

Còn Trịnh Công Sơn, ông đã dùng sự đau thương, nỗi tuyệt vọng để ghi nên những lời ca bất hủ trong Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng:

Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng

Lá mùa thu rơi rụng giữa mùa đông.

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng" Trình bày: Khánh Ly

Bấm vào để nghe "Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng" Trình bày: Khánh Ly

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng" Trình bày: Hồng Nhung

Bấm vào để nghe "Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng" Trình bày: Hồng Nhung

Có lẽ trong lòng ông đang tuyệt vọng lắm nên mới đặt bút viết nên những lời ca để khuyên nhủ, để khích lệ chính mình là “đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng”. Ông ví von nỗi đau của mình như chiếc lá rụng vào mùa thu, đó là một điều tự nhiên, rất tự nhiên. Nhưng dù thế, thì cũng có những lá có thể kiên trì vượt qua cả mùa thu để mà “rơi rụng giữa mùa đông”. Trước hay sau gì thì lá cũng rơi, đó chính là nỗi đau tự nhiên nhất. Nhưng rơi trước hay rơi sau cũng dựa vào sức sống mãnh liệt khác nhau của từng chiếc lá. Nên ông muốn như chiếc lá kiên trì đến giữa mùa đông ấy, cũng kiên trì đừng tuyệt vọng trên chính nỗi tuyệt vọng của mình. 

Ông cổ vũ bản thân mình, rồi cổ vũ luôn cả người mình yêu. Vì ông nghĩ rằng hai người vốn đã là một thể “em là tôi và tôi cũng là em”, nên mong rằng em cũng “đừng tuyệt vọng”.

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng

Em là tôi và tôi cũng là em.

Con diều bay mà linh hồn lạnh lẽo

Con diều rơi cho vực thẳm buồn thêm

Em như là con diều vừa nới vụt bay khỏi tầm tay của ông, khiến cho tâm hồn ông đang háo hức bỗng hóa ra “lạnh lẽo”. Nhưng tâm hồn có buồn đau, có thất vọng ông cũng không mong muốn rằng nó sẽ rơi xuống. Vì khi con diều rơi ông sẽ càng buồn, càng đau hơn gấp trăm vạn lần như là một “vực thẳm buồn thêm”.

Tôi là ai, là ai, là ai? như là một câu hỏi xoáy sâu vào tâm hồn của người nghe nhạc. Tôi như cảm nhận được nỗi đau của người nhạc sĩ ấy, ông bơ vơ, ngơ ngác đến mức không biết mình là ai nữa. Nhưng ông ấy vẫn biết mình còn “ghi dấu lệ”, còn ở trên “trần gian thế”, và còn “yêu quá đời này”. Nỗi buồn của ông ấy thật đáng ngưỡng mộ, ông ấy buồn nhưng không bi, yêu nhưng không lụy. Rất đáng để chúng ta học hỏi.

Tôi là ai mà còn ghi dấu lệ

Tôi là ai mà còn trần gian thế

Tôi là ai, là ai, là ai?

Mà yêu quá đời này.

Vì thế cho nên “đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng”, vì “nắng vàng phai như một nỗi đời riêng”. Và cả em cũng thế, cũng “đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng”, vì “em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. chỉ cần em sống tốt thì đời em sẽ có được ánh “bình minh” của cuộc đời mình. Còn ông, ông có thể tình được “nắng vàng” chiếu rọi con đường sắp tới của ông. Dù ánh nắng đó có vương chút u sầu, chút “quạnh quẽ” nhưng nó cũng là ánh sáng. Nhưng khi ánh sáng đó tắt đi và màn đêm buông xuống, cũng sẽ vẫn có một nỗi sầu “nhè nhẹ” lan tỏa trong tâm hồn ông.

Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng

Nắng vàng phai như một nỗi đời riêng

Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng

Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh

Có đường xa và nắng chiều quạnh quẽ

Có hồn ai đang nhè nhẹ sầu đêm.

Ca sĩ Khánh Ly từng chia sẻ trong một buổi biểu diễn sau nhiều năm trở lại Việt Nam của bà. Rằng thời điểm Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng mới ra đời bà đã hát luyện tập cùng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (ông ngồi đệm đàn và dạy hát cho cô) từ 7h tối hôm trước cho đến tận 5h sáng hôm sau. Có lẽ vì thế nên cô cũng thể hiện ca khúc này vô cùng xuất sắc. Nhưng tôi vẫn thấy Trịnh Công Sơn mới là người thể hiện trong vẹn nhất sự tuyệt vọng nhưng không tuyệt vọng của bài hát.

Có một điều tôi rất ngưỡng mộ ở nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đó là dù ông trải qua rất nhiều mối tình, nhưng mối tình nào đối với ông cũng rất chân thành, bóng hồng nào đi qua đời ông cũng đều rất da diết. Ít nhất là qua những ca khúc mà ông sáng tác tôi hoàn toàn có thể cảm nhận được điều đó. Cũng như Tôi Ơi Đừng Tuyệt Vọng, những cảm xúc trên là cảm nhận của riêng tôi, có thể đối với cảm xúc của nhạc sĩ vẫn chưa đúng. Nhưng âm nhạc chính là vậy, chính là nghe và cảm nhận, cho dù đúng, dù sai thì mỗi chúng ta đều sẽ có những cảm xúc riêng khi lắng nghe bằng cả tâm hồn từng lời ca của nó.

Hồi Ức Sài Gòn Xưa biên soạn