Tốt nghiệp bác sĩ y khoa tại Pháp nhưng ông lại nặng lòng với thảo dược để rồi sau đó, sản phẩm của ông ra đời được đông đảo người dân đón nhận.
Hết lòng vì chai dầu thảo dược
Vị bác sĩ chúng tôi muốn nói đến là bác sĩ Bùi Kiến Tín và sản phẩm lừng danh một thời – dầu gió khuynh diệp bác sĩ Tín. Là tiền thân của dầu khuynh diệp OPC “mẹ bồng con” ngày nay, dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín có một thời lừng lẫy suốt từ cuối thập niên 1940 đến năm 1975, không nhà nào mà không thủ sẵn vài chai. Trải qua hàng chục năm vắng bóng đến nay, hình ảnh chai dầu khuynh diệp gắn với bác sĩ Bùi Kiến Tín vẫn chưa phai mờ trong ký ức nhiều người
Bác sĩ Bùi Kiến Tín – người gầy dựng nên thương hiệu dầu khuynh diệp bác sĩ Tín nổi tiếng một thời
Bùi Kiến Tín sinh năm 1912 tại Quảng Nam. Thuở nhỏ học ở quê nhà, sau lớn lên ông ra Huế tiếp tục học và đậu Tú tài. Ông qua Pháp nhiều năm để rồi sau đó trở thành bác sĩ y khoa.
Trong thời gian du học ở Pháp, bác sĩ Bùi Kiến Tín đã tìm hiểu các phương pháp bào chế thuốc của Tây phương. Năm 1941, ông hồi hương dồn hết tâm huyết cho ra đời sản phẩm dầu khuynh diệp bác sĩ Tín, được nhiều người tín nhiệm ngay từ lô sản phẩm đầu tiên.Để có được chai dầu khuynh diệp, bác sĩ Tín đã lập ra Viện bào chế đông dược miền Nam. Qua nhiều năm mày mò, nghiên cứu cuối cùng chai dầu gió có màu xanh kèm theo hương thơm ngào ngạt đến được với mọi người.
Tinh dầu khuynh diệp là nguyên liệu chính để bào chế ra dầu khuynh diệp. Bên cạnh đó còn có các loại tinh dầu khác như dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu. Ngoài dầu gió, bác sĩ Tín còn bào chế ra các loại thuốc ho bác sĩ Tín, thuốc bổ bác sĩ Tín.
Đáng nói là, những nguyên liệu khác đều rất dễ tìm ở Việt Nam, riêng khuynh diệp thì nước ta chưa thể trồng và chưng cất được. Bởi vậy, muốn sản xuất được một chai dầu khuynh diệp, bác sĩ Tín phải nhập nguyên liệu từ Pháp. Điều này đã làm cho ông trăn trở bởi chỉ có tự sản xuất trong nước mới có giá nguyên liệu thấp dẫn tới giá thành sản phẩm thấp, phục vụ tốt cho người dân.
Chính lẽ đó, ông luôn đau đáu, muốn đưa cây khuynh diệp Eucalyptus từ nước ngoài về trồng với mục đích chưng cất lấy tinh dầu khuynh diệp rồi pha chế với các dược liệu khác. Có tinh dầu này, việc bào chế ra dầu khuynh diệp sẽ chủ động hơn và giá thành sẽ rẻ hơn
Để thực hiện ý định của mình, năm 1954 bác sĩ Tín mua một miếng đất rộng 30ha nằm dọc theo Quốc lộ 1A (trước đây là Quốc lộ 1 rồi sau đó là xa lộ Biên Hòa), bên tay phải theo hướng Suối Tiên về Biên Hòa. Khu vực này vốn là một ngọn đồi có tên là Đồi Viễn.
Bác sĩ Tín cho dọn dẹp, phát quang sửa sang khu đất này để có thể trồng cây khuynh diệp. Năm 1960, lứa khuynh diệp đầu tiên từ Pháp đưa về được trồng ngay tại Đồi Viễn.
Ông nhập cả 2 loại, cây giống và hạt giống. Dự tính của ông sẽ tiếp tục ươm giống và để có nơi trồng những cây con mới ươm, ông mua thêm 2 trang trại với tổng diện tích 40 ha tại km 181 và 183 Quốc lộ 20 Dầu Giây – Đà Lạt thuộc xã Lộc Châu, huyện Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng.
Chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín
Những lứa cây mới ươm đã lớn, ông chuyển lên 2 trang trại ở Bảo Lộc để trồng thử nghiệm. Kết quả, trang trại ở km 183 cho cây rất tốt nhưng ở km 181 thì không được như ý. Chỉ cách nhau có 2 km mà thổ nhưỡng lại cho kết quả khác như thế?.
Tìm hiểu mới biết, ở trang trại km 183 ông sử dụng loại phân đặc trị nhập từ Pháp với giá rất đắt đã cho những cây khuynh diệp như mong muốn. Ngược lại, ở trang trại km 181 ông sử dụng các loại phân thông thường sản xuất trong nước nên kết quả rất đáng buồn. Như vậy, với 70 ha trang trại ở 3 vị trí khác nhau vẫn không đem lại cho ông kết quả như mong đợi bởi nếu muốn trồng để lấy được tinh dầu tốt phải nhập phân về. Lúc ấy, giá thành tinh dầu sản xuất trong nước còn cao hơn tinh dầu nhập từ nước ngoài.
Chúng tôi tình cờ gặp được một người đã từng có mặt tại cơ sở tinh chế dầu cho biết, nếu đem so sánh tinh dầu ngoại nhập và tinh dầu chế biến từ cây khuynh diệp trồng ở trang trại thì về mặt mỹ quan tinh dầu từ cây trồng trong hơn, có màu vàng đẹp hơn, sáng hơn… và nhất là nóng, thơm hơn nhiều.
Do không có phân để bón, năm 1978, số khuynh diệp đã trồng tại 3 trang trại chết đến 80%. Rồi Đồi Viễn bỏ hoang. Ý tưởng dùng nguyên liệu trong nước sản xuất được để giúp giảm chi phí cho người dân của bác sĩ Tín đến cuối đã không thành.
Sau đó nơi đây được xây dựng thành trường Cán bộ y dược miền Nam, được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Viện Y dược học dân tộc. Sau 4 khóa học, năm 1979 trường được chuyển về sát nhập với Trung học y tế TP.HCM.
25 triệu chai dầu đi vào lòng người
Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín có công dụng trị tứ thời cảm mạo. Nhờ vị nóng và hương thơm, chai dầu khuynh diệp trở thành là người bạn thân thiết của biết bao sản phụ từ khi mới sản xuất (1941) cho đến năm 1975. Những đứa trẻ có lẽ bây giờ đã bước vào giai đoạn cuối của đời người, lớn lên trong khỏe mạnh cũng bằng chai dầu ấy.
Thời ấy, không phân biệt sang hèn, trong túi các bà nội trợ, những người buôn bán và các học sinh lúc nào cũng có chai dầu gió khuynh diệp bác sĩ Tín, phòng khi trái gió trở trời. Một cách rất tự nhiên, sản phẩm đã đi sâu, rất sâu vào sinh hoạt của người dân thời bấy giờ.
Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín ra đời đi kèm theo những lời quảng cáo hoàn toàn bằng tiếng Việt. Thời ấy người Pháp xâm chiếm nước ta nhưng ông vẫn dùng tiếng Việt để viết thành toa nhãn để đưa sản phẩm đến với quảng đại quần chúng.
Ngoài ra, trên các toa tàu điện, ở các chợ và các khu dân cư đông đúc, hình ảnh chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín hiển hiện đi kèm theo những lời thuyết minh trung thực bằng tiếng Việt đã khiến cho chai dầu đến gần với người dân hơn.
Bác sĩ kiêm nhà kinh tế
BS Bùi Kiến Tín không chỉ là người bào chế dược phẩm mà ông còn là nhà kinh tế với những dự án lớn khác, vì vậy khi đi vào thương trường, dù sản phẩm rất nổi tiếng nhưng công ty cũng biết áp dụng những chiêu thức quảng cáo như “mua dầu khuynh diệp BS Tín trúng xe Austin” và quảng cáo trên xe điện (sau nầy là đường xe lửa) dọc tuyến đường rầy Sài Gòn – Chợ Lớn. Thời gian này, mỗi năm dầu khuynh diệp BS Tín bán ra thị trường trên 25 triệu chai lớn nhỏ. Ông không theo phương châm “hữu xạ tự nhiên hương” mà biết dùng mọi cách để đưa hình ảnh và mùi hương của dầu khuynh diệp đến với người tiêu dùng. Tất nhiên chất lượng và giá cả vẫn là ưu tiên số một trong sự cạnh tranh với các loại dầu lúc đó như Nhị Thiên Đường của một doanh nhân người Hoa, dầu cù là Macphsu của Miến Điện…
Công viên lịch sử – văn hóa dân tộc trước đây là Đồi Viễn, nơi trồng và ươm cây khuynh diệp
Dầu khuynh diệp BS Tín – lúc ấy là một thương hiệu “dầu gió” nổi tiếng đến nỗi nó đã trở thành danh từ chung khi chỉ dầu dùng để xức lúc nhức đầu đau bụng. “Khi nhức răng chỉ cần chấm gòn nhét vào kẽ răng là con sâu răng nó chết” như lời những người bán thuốc kèm ảo thuật lề đường quảng cáo một loại dầu gần như trị bá bệnh (?).
Hiện nay một số xí nghiệp dược phẩm VN đã dùng công thức của ông để tái sản xuất dầu khuynh diệp BS Tín – một chai dầu đã đi theo cùng thế hệ chúng tôi mà biết đâu ít nhiều người trong chúng ta từ lúc lọt lòng đã ngửi được mùi hương…!