Trong kho tàng sáng tác của Hoàng Thi Thơ, có một bài ca bất tử mang tên “Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi”. Có một số người lầm tưởng rằng ca khúc này ông viết để dành tặng cho người con gái ông yêu nhưng đoản mệnh, đã sớm rời bỏ cuộc đời, rời bỏ ông. Nhưng thật ra không phải thế, sự thật là:
Trong Đoàn Văn nghệ Maxim do Hoàng Thi Thơ làm trưởng đoàn được thành lập vào năm 1967, ở đoàn múa có ba chị em gái quê ở Đà Lạt, trong số họ có một cô tên là Kim Lệ Thi. Cô đã đem trọn lòng mình gửi gắm cho một người nghệ sĩ. Mối tình đó rất tha thiết và lý tưởng, nhưng nó trở thành nỗi tuyệt vọng trong cô khi không bao giờ có thể được hồi đáp. Vì người mà cô thương là người đã có gia đình. Và rồi quá buồn khổ cô đã bỏ lên rừng âm khóc khóc một mình, sau đó thì chết vào “một sáng mùa thu, trên đệm lá vàng” (như tác giả đã miêu tả trong bài hát, nhưng theo ca sĩ Họa Mi thì cô gái chết do tai nạn giao thông). Vì quá thương cảm cho cô gái phải ra đi lúc xuân thì và mang trong mình mối tình trớ trêu ấy, ông đã chắp bút viết nên bài nhạc này vào năm 1970, ngay sau đám tang của cô gái ấy (theo lời kể của ca sĩ Họa Mi).
Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ
Nhưng cũng ít ai biết rằng, ông có đến 3 ca khúc viết về người trinh nữ tên Thi này. Bài thứ 2 được ông viết vào khoảng trước năm 1975 và được ca sĩ Thanh Lan thể hiện, nó có tên là “Mối Tình Bất Diệt”. Và có một bài nữa mang tên “Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng”. Cả 3 ca khúc ngày về nội dung đều là như nhau, nhưng có một điều đặc biệt là 2 ca khúc trước được ông sáng tác bằng cách kể chuyện theo ngôi thứ 3, với cương vị là người chứng kiến sự việc. Còn ca khúc thứ ba lại chính là lời tự sự của cô gái về chính cuộc đời mình.
Lấy bài hát “Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi”, cũng là bài nổi tiếng nhất về người con gái ấy làm tiêu chuẩn, chúng ta cùng nhau hồi tưởng lại câu chuyện bất tử của “nàng Thi” thêm lần nữa:
“Thuở ấy xa xưa có một nàng một nàng thiếu nữ
Một đóa hoa hồng tình phơi phới tuổi mới trăng tròn
Cuộc đời hồng nhan cay và đắng thôi thì lắm trái ngang
Bao nhiêu trai làng yêu nàng
Đi theo xin nàng tim vàng
Nàng vẫn không màng”
Nghe lại ca khúc "Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi" Trình bày: Thanh Lan
Bấm vào để nghe ca khúc "Chuyện Tình Người Trinh Nữ Tên Thi" Trình bày: Thanh Lan
“Nàng thiếu nữ” là một cô gái đang “phơi phới tuổi mới trăng tròn”. Nhưng cuộc đời “hồng nhan” ấy sao lại “lắm trái ngang” đến vậy. Dù cho có biết bao “trai làng yêu nàng” và “đi theo xin nàng tim vàng” thế mà “nàng vẫn không màng”. Nàng lại đem con tim mình trao cho “một chàng nghệ sĩ” và chỉ biết tuyệt vọng vì chàng “đã có gia đình”. Vì vậy nên mối tình đó chỉ “như là gió với trăng”, đành chấp nhận số phận ấy nên nàng chỉ biết “khóc một mình”
“Nàng đã trót yêu yêu một chàng một chàng nghệ sĩ
Tình hỡi ơi tình chàng đã có đã có gia đình
Người đời cười chê cho tình đó như là gió với trăng
E sao duyên mình không thành
Như bao cô nàng thất tình
Nàng khóc một mình”
Cũng là mối tình đó, trong bài “ Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng”, nỗi đau của cô gái như sống lại một cách rất chân thực bởi chính chủ nhân của nó vậy. Làm cho chúng ta, những người thính giả không khỏi nhói lòng:
"Ta đi lang thang theo ngày tháng,
theo đời hoang, mang buồn đi bốn phương trời.
Ta đi rong chơi như là gió, như là mây,
đi tìm quên cơn mê này.
Ta đi lang thang trên đồi vắng,
qua rừng sâu cho tâm hồn hết âu sầu.
Không còn nhớ, không còn thương
bóng người xưa quên thề cũ.
Không còn nhớ, không còn thương
mối tình xưa quá bẽ bàng.”
Nghe lại ca khúc "Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng" Trình bày: Khánh Ly
Bấm vào để nghe ca khúc "Rong Chơi Cuối Trời Quên Lãng" Trình bày: Khánh Ly
Vậy nên, người chứng kiến cũng không khỏi bàng hoàng mà thốt lên “Thi ơi Thi ơi Thi,Thi biết biết không Thi ?”, rằng vì tình yêu vốn dĩ là “sống với đau thương”, “là chết với u sầu”, nên nỗi buồn của cô vốn dĩ là tự nhiên. Nếu như bất kỳ ai lâm vào hoàn cảnh đó cũng sẽ có chung niềm đau thương ấy mà thôi.
“Thi ơi Thi ơi Thi,Thi biết biết không Thi ?
Khi con tim yêu đương là sống với đau thương
Khi con tim yêu đương là chết với u sầu
Thì Thi đã biết cớ sao Thi buồn”
Nhưng với một cô gái vừa mới 19 đôi mươi, cô chìm đắm trong tuyệt vọng. Có thể nói rằng đó là sự say mê đến cuồng dại, để rồi khi nhận lại sự đau thương thì tâm hồn đã vô vọng, không còn có thể thoát ra được nữa. Cô muốn “ra đi xa làng”, xa “người tình yêu dấu”. Cô muốn đi tìm nơi để có thể quên đi mọi thứ, nhưng có lẽ cô đã tuyệt vọng đến mức buông xuôi cuộc đời của mình nên đã một mình “đi sâu vô rừng”. Và kể từ đó trở đi “không ai còn gặp gặp nàng đâu nữa”. và cứ thế nàng lặng lẽ rời bỏ cuộc sống u uất, đầy bi thương của chính mình.
“Nàng quyết ra đi xa làng mình người tình yêu dấu
Đời ngỡ chắc rằng nàng đã bước đã bước qua cầu
Mà nào ngờ đâu ôm tình ấy đi tìm dãy núi cao
Đi sâu vô rừng quên tình
Hay đi vô rừng trốn mình
Tình vẫn u sầu
Từ đó không ai ai còn gặp gặp nàng đâu nữa
Chỉ có con chim rừng nhiều khi thấy nàng khóc một mình
Rồi một mùa đông chim nhìn thấy thấy nàng dưới gốc cây
Tương tư nhân tình khôn lường
Đau thương u tình vô cùng
Nàng chết trong rừng”
Trong lời “tự sự” của chính bản thân, cô gái ấy cũng chênh vênh, lạc loài và cũng cô đơn, lạc lõng trong vô định. Vì muốn cố gắng thoát ra khỏi nó cô cứ lang thang không một điểm dừng. Nhưng có lẽ vì đã lang thang quá lâu, cô không còn xác định đường về trong trái tim mình nữa nên chỉ có một mong cầu rằng:
“Xin một sáng trong mùa đông,
trên nệm êm lá vàng úa,
không còn nhớ, không còn thương
ta nằm im chết bên đường”
Có lẽ vì cái kết của cô gái quá chóng vánh. Có thể nói là không ai có thể tưởng tượng ra được, là cô có thể vì một tình yêu không được hồi đáp mà ra đi như thế. Sự ra đi của cô khiến những người nghe chuyện thực sự bàng hoàng, họ cứ mang trong mình một sự mơ hồ, nửa tin nửa ngờ về câu chuyện đó. Vì thế có nhiều người đã không kìm lòng được mà hỏi nhạc sĩ về sự thật về câu chuyện ấy. Bài hát “Mối Tình Bất Diệt” có lẽ cũng vì thế mà được ông viết ra. Bài hát đó như một câu trả lời, và như một sự khẳng định một lần nữa về câu chuyện của người “trinh nữ tên Thi” rằng :
“Thi đã yêu nên Thi đã chết
Thi đã yêu nên Thi chung tình
Duyên trái ngang cho nên tình lỡ
Thì thôi đành thác
Hẹn nhau một kiếp nào
Thi chết đi nhưng Thi vẫn biết
muôn kiếp sau không ai quên mình
Thi chết đi cho anh nghệ sĩ
Ngàn năm còn nhớ còn thương một bóng hình.”
Nghe lại ca khúc "Mối Tình Bất Diệt" Trình bày: Thanh Lan
Bấm vào để nghe ca khúc "Mối Tình Bất Diệt" Trình bày: Thanh Lan
Đúng là vậy, đây đúng là một câu chuyện bất tử theo thời gian. Câu chuyện của người con gái tên Thi ấy, nhờ có sự “kể” chuyện một cách tài tình của Hoàng Thi Thơ đã và đang trường tồn theo thời gian, vượt qua mọi khoảng cách thế hệ, và nhẹ nhàng đi sâu vào lòng người.
Hồi Ức Sài Gòn Xưa biên soạn
Nguồn tham khảo: Internet