Cảm nhận tuyệt phẩm "Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu" (nhạc Phạm Duy, thơ Phạm Thiên Thư) - Câu chuyện về “nàng Ẩn Lan” trong ca khúc

   

Đoạn Trường Vô Thanh (hay Hậu truyện Kiều) là một tập truyện thơ lục bát của nhà thơ Phạm Thiên Thư, ra mắt lần đầu năm 1969. Tập thơ được nhiều đánh giá cao về lời lẫn ý, được cho là tác phẩm viết tiếp truyện Kiều (Đoạn Trường Tân Thanh) thành công nhất.  Nhưng thay vì "Tân thanh", tác giả dùng chữ "vô thanh", nghĩa của cái tựa là "đứt ruột không tiếng", mà tác giả đã giải thích phần nào ý nghĩa của nó trong bài tựa:

“Đoạn trường

Sổ gói tên hoa

Xưa là giọt lệ nay là hạt châu

Nhà thơ Phạm Thiên Thư - Nhạc Sĩ Phạm Duy

Mời quý vị nghe ca khúc "Gọi Em Là Đoá Hoa Sầu" Trình bày: Vũ Khanh

Vô thanh như tiếng reo ca bát ngát của nhật nguyệt khiến giọt lệ Vương Thúy Kiều trở thành sợi mây hồng cất cánh “vèo” bay qua tài mệnh nhị tướng kết nên hạt minh châu viên xá lợi của bậc nguyện vào địa ngục là thái độ tịch nhiên sấm sét của người vác thập tự trong cuộc đoạn trường là vòm trời xanh biếc Việt tính khai mở sau thi hào Nguyễn Du chiếc cầu hư ảo khói sương đưa giả tướng ngôn ngữ rã rời trong một vài trống canh mua vui dưới ngọn Hồng Lĩnh trên ba ngàn dòng thơ cô đọng cỏ hoa sau ba mươi năm tơ tưởng Thúy Kiều và thưa: Những hạt lệ đã nổi cánh thiên hương.”

Tác phẩm bao gồm 3290 câu lục bát và đã được giải thưởng văn học toàn quốc (miền Nam Việt Nam) năm 1973.

Tại sao tôi lại nhắc đến tác phẩm trên? Đó là tại vì nó chính là nguyên cớ tạo nên Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu, một ca khúc rất nổi tiếng của nhạc sĩ Phạm Duy. Bài hát này đã được ông phổ nhạc từ những câu thơ được trích ra từ Đoạn Trường Vô Thanh của thi sĩ Phạm Thiên Thư:

Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn

Dáng ai cắp rổ lên cồn hái dâu

Tiếng nàng hát vọng đôi câu

Dừng tay viết mướn lòng sầu vẩn vơ

Lều tranh còn ủ chăn mơ

Mối tình là một bài thơ vô đề

Ẩn Lan ơi! Mái tóc thề

Gió Xuân nay có vỗ về suối hương

Đêm nao ngồi học bên tường

Nến leo lét lụi, chữ vương vắt chìm

Ngoài song thoảng tiếng hài im

Như trăng buông hạt tơ chìm kiêu sa

Lan cười đưa đến cho ta

Sợi dài tóc buộc chùm hoa ngâu vàng 

Sách thơm áp má mơ màng

Tỉnh ra hương thoảng bóng lan chập chờn

Nhớ khi em dỗi em hờn

Hai ta chia sẻ nắm cơm cháy vừng

Nhớ đêm nằm võng ngó trăng

Đếm ngôi "sao sáng" lại rằng "sáng sao"

Giọng em lanh lảnh tiếng cao

Răng em tươi hạt ngọc nào long lanh

Nền trời mây lại qua nhanh

Viền trăng vương phải đầu cành vỡ tan 

Và những câu thơ đó đã được Phạm Duy tạo thành bài nhạc như sau:

Ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn

Áo nhuộm hoàng hôn

Áo nhuộm hoàng hôn

dáng ai cắp rổ cắp rổ lên cồn

Lên cồn hái dâu hái dâu

 Những hình ảnh cô gái hiện ra trước mắt chàng trai si tình trong một buổi chiều “ngày xưa áo nhuộm hoàng hôn”, với bóng dáng quen thuộc đang “cắp rổ lên cồn lên cồn hái dâu hái dâu” và “tiếng nàng hát vọng đôi câu” khiến cho cõi lòng ai đó phải “vẩn vơ sầu”.

Tiếng nàng hát vọng đôi câu

Hát vọng đôi câu, hát vọng đôi câu

Dừng tay viết mướn ối a lòng sầu

Lòng sầu vẩn vơ, vẩn vơ sầu

 

Lều tranh còn ủ trăng mơ

Còn ủ trăng mơ, còn ủ trăng mơ

Mối tình làm một bài thơ vô đề

Ẩn Lan ơi, ơi mái tóc thề

Mời quý vị nghe ca khúc "Gọi Em Là Đoá Hoa Sầu" Trình bày: Hương Lan

 

Chàng trai ấy ở nơi “lều tranh còn ủ trăng mơ” và “làm một bài thơ vô đề” cho mối tình chớm nở cùng với cô gái ấy - người con gái có tên gọi “Ẩn Lan”. 

Lòng anh xuyến xao trở về với những ngày xưa cũ, cái ngày mà còn “vỗ về hương xưa”, còn “học dưới trăng mờ” với những “dòng chữ hững hờ” và tự hỏi không biết cô có còn nhớ đến mình hay chăng?

Ẩn Lan ơi, ơi mái tóc thề

Mùa xuân nay làn gió có về

Vỗ về hương xưa đêm nao học dưới

Học dưới trăng mờ dòng chữ hững hờ

 

Thoảng nghe tiếng hài của em

Tiếng hài của em, tiếng hài của em

Như sương lắng đọng, lắng đọng trên thềm

Trên thềm ngõ sau ngõ sau

Mời quý vị nghe ca khúc "Gọi Em Là Đoá Hoa Sầu" Trình bày: Duy Quang

 

 Còn anh thì vẫn nhớ như in những ngày đó, những ngày còn “thoảng nghe tiếng hài của em”, “như sương lắng đọng trên thềm ngõ sau ngõ sau”. Rồi nhớ cả nụ cười của em, cái nụ cười đã kết nên mối duyên của hai người “buộc vào với hoa, hoa ngâu vàng

Em cười đem lại cho nhau

Đem lại cho nhau, đem lại cho nhau

Sợi tơ mớ tóc ối a buộc vào

Buộc vào với hoa, hoa ngâu vàng

 

Ngủ quên trên sách mơ màng

Tập sách thơm ngoan

Áp má mê man gió lùa tỉnh dậy

Mùi Lan chập chờn, Ẩn Lan ơi

Em dỗi em hờn

Và nhớ cả những cả những lần anh “ngủ quên trên sách mơ màng”, để rồi “Ẩn Lan ơi em dỗi em hờn” mà buồn miên man. Nỗi buồn của em vương vấn “thơm lâu” như loài hoa mang tên em vậy. Để rồi vương sang cả cõi lòng anh, và khi nhớ em vô thức anh gọi em “là Đóa Hoa Sầu”.

Ẩn Lan ơi em dỗi em hờn

Ẩn Lan ơi như những cơn buồn

Nỗi buồn thơm lâu em ơi gọi em

Là đóa hoa sầu là Đóa Hoa Sầu

Bài hát này có lẽ chúng ta chỉ nên nghe và cảm nhận sự miên man, say đắm trong từng lời ca điệu nhạc của nó mà thôi. Bởi lẽ nếu như không tìm hiểu hết cả tác phẩm thơ của Phạm Thiên Thư (và cả Truyện Kiều) thì rất ít người có thể hiểu được tường tận nội dung của nó.

Và tôi cũng vậy, vì tò mò Ẩn Lan là ai, tôi lân la tìm hiểu thì mới biết được. Hóa ra cả bài hát (đoạn thơ) là lời hồi tưởng, là sự nhưng nhớ của Vương Quan (em trai của Thúy Kiều) đến người yêu của mình. Cô ấy tên gọi là Ẩn Lan, là con gái của một người thầy đã dạy anh. Nhưng rồi chuyện tình đó không thành, nàng cũng theo cha mà đi biền biệt. Sau đó khi tình cờ gặp một học trò của thầy, Vương Quan đã theo người đó về thăm lại ông và gặp lại Ẩn Lan. Nhưng tiếc thay nàng dù vẫn như xưa mà chàng nay đã gia thất đề huề. Mối tình của họ cũng kết thúc như thế. Chỉ còn lại những hồi ức mà thôi.

Nhạc sĩ Phạm Duy cũng từng viết trong hồi ký rằng: “Sau khi đã theo Phạm Thiên Thư “đưa em đi tìm động hoa vàng” tôi lại cùng anh “gọi em là đóa hoa sầu”. Gọi Em Là Đoá Hoa Sầu là những câu thơ của thi sĩ Phạm Thiên Thư, cho rằng dù sao đi nữa thì cuộc đời này rất đáng sống trong cái mênh mông, bao la của phù vân hư ảo. Hành âm nghe rất âu yếm và nhẹ nhàng, hợp với không khí nồng nàn và an ủi của bài ca. Dù ta thấy được phù vân của cuộc đời, nhưng ta vẫn được cái nồng nàn của tình yêu.

Ẩn Lan ơi, cuộc đời thật buồn nhưng đó là nỗi buồn thơm lâu. Vì thế mà anh gọi em là Đóa Hoa Sầu