Cảm nhận ca khúc "Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa" (Lê Uyên Phương, Nguyễn Hoàng Đoan) - Đây là một bông hồng, Gửi về người ngã ngựa _ HUSGX

   

Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa là một ca khúc mà nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ từ bài thơ cùng tên của nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan. Nhạc sĩ Lê Uyên Phương thì có lẽ những người yêu nhạc ai cũng đã quá quen thuộc, còn Nguyễn Hoàng Đoan là ai thì chưa chắc là vậy.

Nhiều người biết đến nhà báo là “phu quân” của ca sĩ Khánh Ly (ông là chồng thứ 3 của bà). Và sau khi lập gia đình với Khánh Ly, ông đã trở thành một người trợ lý đặc biệt cho bà. Vì vậy cũng ít người viết rằng trước những năm 1975 ông vốn rất nổi tiếng với những bài phóng sự ăn khách trên nhật báo Hòa Bình. Ông cũng chính là người đã cùng với ký giả Ngọc Hoài Phương sáng lập tờ Hồn Việt, tờ báo Việt ngữ đầu tiên tại Hoa Kỳ sau 30/4/75. 

Nhạc sĩ Lê Uyên Phương

Ngoài công việc chính là một ký giả ông còn viết văn và làm thơ mỗi khi có cảm hứng. Trong những năm tháng trôi dạt trên đất khách quê người  một tuần ít nhất vài ngày những anh em nghệ sĩ như Trầm Tử Thiêng, Sơn Tuyền, Giao Linh, Tùng Giang, Ngọc Minh, Elvis Phương, Băng Châu, Lê Nguyễn, Khánh Phương, Thái Châu,... sẽ tụ tập với nhau trên căn nhà vùng Cerritos của ca sĩ Khánh Ly để cùng nhau trò chuyện, đàn hát…

Ca sĩ Khánh Ly và chồng lúc trẻ (nhà báo Nguyễn Hoàng Đoan)

Những ngày tháng của những năm đầu thập niên 90 đó giờ chỉ còn là kỷ niệm. Mọi thứ có thể đã qua và đã bị quên lãng, nhưng có những bài thơ do Nguyễn Hoàng Đoan làm - trong lúc Anh vui, lúc Anh say, và cả lúc Anh buồn khi nhớ về một quê hương ngàn dặm - Khi vô tình đọc lên, khiến người ta khó có thể quên một Nguyễn Hoàng Đoan đã từng lừng lẫy một thời, như trong bài thơ Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa do anh sáng tác. Sau này đã được nhạc sĩ Lê Uyên Phương phổ nhạc và vợ ông là người đã thể hiện rất hay ca khúc này:

Không phải là bông hồng
Dành cho người hạnh phúc
Những người không biết khóc
Những người không biết cười
Những người tim bằng đất

Không phải là bông hồng
Dành cho những búp bê
Những búp bê biết khóc
Những búp bê biết cười
Búp bê tim bằng nhựa

Mời quý vị nghe lại ca khúc "Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa" Trình bày: Khánh Ly

Bấm vào giữa hình trên để nghe "Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa" Trình bày: Khánh Ly

Mời quý vị nghe lại "CD Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa" Trình bày: Khánh Ly

Bấm vào giữa hình trên để nghe "CD Bông Hồng Cho Người Ngã Ngựa" Trình bày: Khánh Ly

“Bông hồng” là một biểu tượng muôn đời cho tình yêu, nó là sự thể hiện của lời hứa, tình cảm và hạnh phúc đong đầy. Người ta thường dùng “bông hồng” để trao tặng cho những người mà mình yêu thương nhất, đặc biệt là người yêu trong niềm hạnh phúc. Nhưng với Nguyễn Hoàng Đoan ông khẳng định “Không phải là bông hồng, Dành cho người hạnh phúc”. Ông không muốn dành tặng nó cho những người đang sống trong hạnh phúc, những người có trái “tim bằng đất” luôn sống trong sự dửng dưng, vô cảm “Những người không biết khóc/ Những người không biết cười”. Ông cũng không muốn dành tặng nó cho những thứ vô tri như “những búp bê”, dù chúng có “biết khóc, biết cười”, chúng có trái tim thì cũng chỉ là một trái “tim bằng nhựa” mà thôi.

Đây là một bông hồng
Gửi về người ngã ngựa
Một hồn đầy cùm gông
Một mảnh đời tan vỡ
Một trời thương mênh mông

Đây là một bông hồng
Gửi về anh về chị
Đã ở lại quê hương
Đẫm mồ hôi khổ nhục
Đất gào lên tiếng khóc
Hồn gào lên cỏ chông

“Bông hồng” ấy của ông là để dành “gửi về người ngã ngựa” - một con người với một tâm hồn “đầy cùm gông”, một con người với “một mảnh đời tan vỡ” nhưng vẫn luôn mang trong mình “một trời thương mênh mông” - Những con người như thế sẽ cần lắm một lời động viên, một lời thấu hiểu từ người khác để có thể có thêm niềm tin yêu để đứng dậy và vững vàng bước tiếp, chỉ cần còn nhìn thấy “tình người” còn tồn tại họ sẽ bớt đi những giờ phút đã đau thương.

 “Bông hồng” ông “gửi về anh về chị” - những con người “đã ở lại quê hương/ đẫm mồ hôi khổ nhục”đã khiến cho “Đất gào lên tiếng khóc/ Hồn gào lên cỏ chông” - những người đã và đang giành lại sự tự do cho đất nước trong cảnh tượng khốn cùng nhất, những con người đáng được trân trọng và tôn kính

Đây là một bông hồng
Gửi về người đi biển
Trời sương làm chăn chiếu
Vào nỗi chết thản nhiên

Đây là một bông hồng
Dành cho em cho tôi
Dành cho em cho tôi
Cũng là người ngã ngựa

Không còn một quê hương
Không còn một quê hương
Trong ao tù hạnh phúc
Cất cao lời ăn năn

“Bông hồng” của ông cũng dành để “gửi về người đi biển” - những con người đang ngày đêm lấy “trời sương làm chăn chiếu” và có thể “vào nỗi chết thản nhiên” - những con người ấy cũng vì thời cuộc mà đi kiếm tìm sự tự do và bình yên cho chính cuộc đời mình, nhưng đón chờ họ cũng không thể biết trước tương lai sẽ đi về đâu.

Và “bông hồng” cuối cùng là dành tặng “cho em cho tôi, cũng là người ngã ngựa” - là những con người may mắn hơn tất thảy những con người đã nói ở trên, nhưng chúng ta (tôi và em) đều “không còn một quê hương”, không biết trước được có thể trở lại miền quê yêu dấu ấy một lần nữa hay không. Nhưng chúng ta còn đang được sống và hưởng một chút hạnh phúc, tuy hạnh phúc ấy cũng tựa như là “ao tù” mà thôi. Và ngày đêm chúng ta cùng sống “Trong ao tù hạnh phúc” mà “Cất cao lời ăn năn”

Không phải là bông hồng
Dành cho người hạnh phúc
Những người không biết khóc
Những người không biết cười
Những người tim bằng đất

Không phải là bông hồng
Dành cho những búp bê
Những búp bê biết khóc
Những búp bê biết cười
Búp bê tim bằng nhựa

Đây là một bông hồng
Gửi về người ngã ngựa

Và như để khẳng định lại một lần nữa, nhạc sĩ Lê Uyên Phương đã cho đoạn hát đầu tiên lặp lại một lần nữa. Cùng với câu kết “Đây là một bông hồng/ Gửi về người ngã ngựa”.

Cả một câu chuyện của một tập thể, một đất nước đang trong thời kỳ chiến loạn vô cùng, vô cùng sâu sắc. Sự vô tình, sự đau thương, sự vô định của cuộc đời của mỗi con người cứ thế trôi dạt theo thời cuộc. Nhưng le lói đâu đó vẫn còn có “một bông hồng” mang màu sắc tươi sáng, nó như là một niềm tin, một hi vọng được nhen nhóm trong lòng của những con người luôn chất chứa tình yêu trong con tim mình.